Ăn mì chính có gây ung thư ?
Gạt mì chính ra khỏi tủ bếp gia đình được 3 năm nay, chị Lê Thị Hà trú tại Long Biên, Hà Nội tâm sự chị quen với các món ăn không nêm mì chính. Trước đây, chị nấu ăn cho rất nhiều mì chính, không ăn mì chính chị cảm thấy đồ ăn cứng, đơ không còn vị ngon ngọt nữa.
Tuy nhiên, một lần bạn chị Hà đến nhà chơi. Sau khi ăn uống, người bạn đó bị rơi vào trạng thái buồn nôn, quay cuồng, khó chịu, ngứa ngáy và phải vào bệnh viện kiểm tra. Tại bênh viện, bác sĩ nghi ngờ bạn chị Hà bị dị ứng gì đó. Sau khi sàng lọc mọi dị nguyên thì xác định đó là mì chính.
Chị Hà kể lại, bạn chị từng bị quay cuồng vì ăn mì chính vài lần. Hôm đó đến nhà chơi chị nấu ăn như bình thường vẫn cho 2- 3 thìa café mì chính vào nồi canh.
Để "cai" mì chính, thời gian đầu chị Hà gặp rất nhiều khó khăn vì chồng chị thấy thiếu thiếu lại đi lấy lọ mì cho vào nồi canh hay đồ ăn gì đó. Tuy nhiên, chị giảm dần bằng cách cho ít dần và từ từ loại bỏ nó ra khỏi tủ bếp trong nhà. Đến giờ, chị Hà cho biết chỉ còn ít mì chính có trong bột canh, nhưng với chị loại bỏ được mì chính là loại bỏ được nhiều nguy cơ bệnh tật.
Dù không bị say mì chính nhưng gia đình chị Nông Thị Linh, Mỹ Đình, Hà Nội cũng bỏ mì chính từ lâu. Câu cửa miệng của chị Linh đó là "ăn mì chính bị ung thư". Có lẽ, chị Linh và gia đình quá ám ảnh vì bệnh ung thư nên chẳng ai dám ăn mì chính nữa.
Bàn về vấn đề này, TS Trương Đình Bắc – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, mì chính chỉ là gia vị thông thường như muối, mắm, tương… và mì chính không gây ung thư như người ta vẫn nói.
Mì chính chứa nhiều muối
Điều TS Bắc lo ngại nhất đó là, mì chính tuy có vị ngọt nhưng nó cũng chứa rất nhiều natri và đây chính là nguồn đưa muối mặn vào cơ thể của chúng ta nếu không biết giới hạn hàm lượng. Nhiều người có thói quen nấu ăn mặn xong "chữa" mặn bằng cho mình chính, tuy nhiên hành động này chỉ làm món ăn mặn hơn.
TS Bắc cho biết, mì chính không gây bệnh nếu biết sử dụng đúng hàm lượng. Khi nấu ăn nếu cho mì chính thì nên giảm lượng muối ăn để đảm bảo không dư thừa muối. Dư thừa muối chính là nguyên nhân gây nên các bệnh lý tăng huyết áp , tim mạch, ung thư đường tiêu hóa.
Theo lý giải, TS Bắc cho rằng thành phần mì chính là natri – đây là thành phần làm tăng thể tích tuần hoàn máu. Người ăn mặn cũng uống nhiều nước, nước đi vào máu khiến khiến lượng nước đổ về các mạch máu gia tăng, làm tăng áp lực cho mạch máu. Khi đó tim cũng phải làm việc (co bóp đẩy máu) nhiều hơn. Đây là những nguyên nhân làm tăng huyết áp và suy tim.
Khi THA - lượng máu xối lên thành mạch nhiều hơn, cộng với các rối loạn mỡ máu khiến cho động mạch bị xơ vữa, người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ nhồi máu cơ tim , đột quỵ do tắc hoặc vỡ mạch máu não nên các chuyên gia khuyến cáo ăn ít muối và mì chính.
TS Bắc cho biết, mỗi bà nội trợ có thể cho nửa thìa café muối + nửa thìa café mì chính thay vì cho cả thìa muối, thìa mì chính như vẫn làm. Tập thói quen hạn chế muối, mì chính để giảm đưa natri vào cơ thể.
Đặc biệt, để không bị nhiễm độc khi dùng mì chính, người tiêu dùng tuyệt đối không nêm mì chính ở nhiệt độ cao, khi nấu chín thức ăn hãy bắc ra khỏi bếp mới cho mì chính. Giống như các chất điều vị khác ở nhiệt độ cao đều có thể biến đổi chất nên nhiệt độ thích hợp để hòa tan mì chính là khoảng 70 – 90 độ C.
Không nên dùng mì chính vào các món ăn chua có giấm bởi mì chính không dễ hòa tan trong môi trường axit, nên việc thêm mì chính vào các món nộm, gỏi chua ngọt là sai lầm.
Tuyệt đối không nên thêm bột ngọt vào thức ăn có vị ngọt tự nhiên như cà chua, tôm… vì sẽ làm mất hương vị ngọt, độ ngọt của món ăn và gây vị khó chịu.
Theo Ngọc Anh (Trí Thức Trẻ)