Trong mấy ngày gần đây, mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang gia tăng nhanh. Tại các trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội, chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) nhiều thời điểm đều trên 150 – mức cảnh báo màu đỏ- tức là có hại cho sức khỏe nói chung, thậm chí có lúc AQI vượt 300 – mức nguy hại, khuyến cáo người dân nên ở trong nhà.
Phóng viên báo Sức khỏe &Đời sống đã có cuộc trao đổi với BSCKII Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng Khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, BV Phổi Trung ương về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, trong thời gian qua, chỉ số chất lượng không khí tại các thành phố lớn trong đó có Hà Nội đang bị ô nhiễm, chỉ số AQI đạt tới mức cao, hàm lượng bụi PM 2,5 cao trong không khí khiến người dân thủ đô rất lo lắng. Xin ông cho biết, không khí ô nhiễm như vậy ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người?
BSCKII Nguyễn Ngọc Hồng: Đối với những hạt bụi, dù vô cơ hay hữu cơ dều xâm nhập vào hệ hô hấp của con người qua không khí và đi vào phổi. Trong không khí ô nhiễm có nhiều hạt bụi nhỏ, hạt càng nhỏ sẽ càng vào sâu. Riêng với những hạt bụi có kích thước PM2,5 có thể đi thẳng vào phế nang phổi, thậm chí đi thẳng vào máu. Với bất cứ dị nguyên nào từ môi trường vào cơ thể đều có thể gây kích ứng.
Bụi trong không khí có nhiều loại, có thể là bụi vô cơ hoặc bụi hữu cơ. Ở những môi trường đô thị như ở Hà Nội, mật độ giao thông rất đông, bụi hữu cơ rất nhiều, đây là kết quả của việc đốt cháy nhiên liệu động cơ, đây là các phản ứng cháy không hoàn toàn, sản sinh ra nhiều sản phẩm trung gian và nhiều tạp chất khác, phát tán bào môi trường như cacbon, sunphua, nitơ, lưu huỳnh và các hợp chất kim loại như chì… rất độc hại. Những hạt bụi này chứa nhiều hợp chất hóa học, lơ lửng trong không khí và rất nhỏ. Những chất này khi vào cơ thể nhẹ thì gây kích ứng như hắt hơi, sổ mũi, nặng có thể khiến con người có phản ứng ho, khạc đờm kéo dài, thậm chí khó thở, như ở những người có bệnh hô hấp, bệnh mạn tính ở phổi như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, làm nặng thêm vấn đề tim mạch….. Sống trong môi trường ô nhiễm không khí kéo dài còn gây các rối loạn tắc nghẽn.
Phóng viên: Xin bác sĩ cho độc giả của chúng tôi biết, cơ chế tác động của những chất ô nhiễm trong không khí tới sức khỏe diễn ra thế nào không?
BSCKII Nguyễn Ngọc Hồng: Khi tiếp xúc với bụi hay môi trường ô nhiễm, con người sẽ có phản ứng ho kích ứng, hắt hơi giống triệu chứng cảm cúm. Đây là phản ứng thông thường của con người khi có các dị nguyên từ bên ngoài xâm nhập vào đường hô hấp. Tiếp theo, người bệnh có thể bị ho, tăng tiết dịch, khạc đờm kéo dài, có thể dẫn tới tình trạng viêm phế quản mạn tính. Lâu dài có thể gây rối loạn đường thở. Khi bụi ô nhiễm đi vào sâu trong hệ hô hấp tới các phế nang, ảnh hưởng tới chức năng phổi gây rất nhiều các bệnh phổi. Đặc biệt bụi có kích thước PM2,5 có thể vượt qua tất cả các hàng rào bảo vệ của cơ thể, vào tận phế nang và đi vào máu, gây độc cho cơ thể.
Phóng viên: Những người mắc bệnh mạn tính hoặc người có sẵn bệnh nền, ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới họ ra sao? Những đối tượng nào được cho là nhạy cảm với ô nhiễm thưa bác sĩ?
BSCKII Nguyễn Ngọc Hồng: Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hệ hô hấp sẽ gây nên tình trạng kích ứng đường hô hấp, làm cho những người đã có bệnh lý hô hấp rồi như những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bị hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp sẽ bị nặng lên dẫn đến tình trạng khó thở tăng lên, nặng sẽ suy hô hấp phải phải nhập viện, thậm chí những bệnh nhân này đáp ứng kém với điều trị.
Trong môi trường ô nhiễm, những người có cơ địa dị ứng, nhạy cảm, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, hoặc các bệnh nền mãn tính đều có thể khiến bệnh nặng thêm hoặc dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Phóng viên: Ông có lời khuyên nào cho người dân nói chung và người có bệnh mạn tính nói chung để đối phó với vấn đề ô nhiễm không khí trong thời gian này không?
BSCKII Nguyễn Ngọc Hồng: Trong những thời điểm ô nhiễm, tốt nhất những đối tượng tôi vừa nói ở trên không nên đi ra đường. Kể cả những hoạt động ngoài môi trường như tập thể dục buổi sáng, đi dạo buổi chiều đều không tốt cho sức khỏe. Với những người bình thường nói chung, khi bắt buộc phải lưu thông trên đường, nên tự bảo vệ mình bằng khẩu trang, kính mắt…. Dù bụi PM2,5 khẩu trang thông thường không thể phòng tránh được, nhưng khẩu trang sẽ hạn chế phần nào bụi khói khi bạn lưu thông. Những người bệnh mạn tính, bệnh tim mạch, hô hấp hoặc người có sẵn bệnh nền nếu thấy bất cứ triệu chứng ho, khó thở tăng lên, cần đi khám ngay.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.
Bụi mịn hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người). Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Bụi PM2.5 có khả năng vào sâu trong phổi và đi trực tiếp vào máu có khả năng gây ra hàng loạt bệnh về ung thư, hô hấp.
Theo bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt (0 - 50), các chuyên gia đánh giá không ảnh hưởng đến sức khỏe; mức trung bình (51 - 100) chất lượng không khí ở mức trung bình, có mối quan ngại nhỏ những người đặc biệt nhạy cảm; mức không lành mạnh (101-150) khuyến cáo nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nhưng người bình thường có thể không bị ảnh hưởng; mức kém (150 - 200) tất cả mọi người bị ảnh hưởng sức khỏe, nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) cần hạn chế thời gian ở ngoài; mức xấu (201 - 300) nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài; mức nguy hại (trên 300) khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Theo Hải Yến (Sức khỏe & Đời sống)