Hiện nay các tỉnh thành khuyến cáo người dân có biểu hiện sốt, ho đi xét nghiệm Covid-19. Tại Hà Nội, qua xét nghiệm các trường hợp ho sốt trong cộng đồng, đã phát hiện nhiều ca Covid-19. Thạc sĩ Thái cho rằng xét nghiệm như vậy sẽ giúp "làm sạch F0" ở khu vực ít ca mắc.
Theo bác sĩ Thái, ngoài 4 triệu chứng chính của Covid-19 như ho, sốt, đau họng, đau đầu, các bác sĩ có thể mở rộng thêm danh sách các triệu chứng. Vì trong 100 người có triệu chứng thì có 50 % người bệnh bị ho, 43 % sốt, 20 % đau họng, 36 % đau đầu...
Nếu người bệnh xuất hiện chỉ một trong các biểu hiện trên thì có ít nguy cơ dương tính hơn. Nhưng nếu bạn có nhiều triệu chứng, khả năng nhiễm SARS-CoV-2 rất cao.
Nhưng trong đợt dịch lần này, người bệnh xuất hiện thêm một số triệu chứng Covid-19 khác, theo BS Thái.
Thứ nhất, virus tấn công tế bào thần kinh, các tế bào chịu trách nhiệm cảm thụ mùi vị nên người bệnh mất hoặc giảm khứu giác, vị giác. Người bệnh không còn cảm giác mùi vị mà chỉ thấy trọng lực thức ăn qua lưỡi.
Trong tình hình dịch hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể coi đây là yếu tố để xác định có phải do virus SARS-CoV-2 hay không, BS Thái nói.
Thứ hai, trên thế giới có nhiều nghiên cứu chỉ ra người bệnh Covid-19 còn có các biểu hiện ngoài da như mề đay nhưng không ngứa, phát ban sẩn dạng sởi không gồ thô, ban mụn sẩn ở vùng da mỏng. Người bệnh cũng bị cước đầu ngón chân, tay, nóng, đỏ... Trên đùi, chân xuất hiện vân tím, dạng viêm mạch, chấm xuất huyết da màu đỏ. Đây cũng có thể là dấu hiệu Covid-19, theo BS Thái.
"Không có biểu hiện nào khẳng định chắc chắn bạn nhiễm Covid-19 nhưng những biểu hiện lâm sàng trên có thể giúp người bệnh đi xét nghiệm và ngay cả bác sĩ hay người dân cũng có thể nhận biết thêm các triệu chứng khác của Covid-19, tránh bỏ sót các trường hợp F0" – bác sĩ Thái chia sẻ.
5 giai đoạn của Covid-19
Bác sĩ Thái chia sẻ về diễn biến của Covid-19 từ khi nhiễm virus tới giai đoạn cuối của bệnh.
Giai đoạn 1: Khi nhiễm virus cơ thể chưa có phản ứng, virus đang ủ bệnh, bệnh diễn biến âm thầm.
Giai đoạn 2: Biểu hiện bệnh tích luỹ lại, ví dụ người thể bệnh nhẹ và vừa sẽ có biểu hiện sốt, mệt, ho khan, chụp phim có thể tổn thương phổi trên Xquang.
Giai đoạn 3: Người bệnh có biểu hiện khó thở, bệnh nền nặng lên, khi đó người bệnh chuyển sang thể bệnh nặng.
Giai đoạn 4: Có thể chuyển từ thể nặng sang thể nguy kịch.
Giai đoạn 4: Người nguy kịch không cấp cứu được chuyển sang tử vong.
Theo BS Thái, thời gian bệnh chuyển nặng từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3 trung bình là 7 ngày. Tuy nhiên, có trường hợp nhanh hơn - 3, 4 ngày - và cũng có người tới 11 ngày mới chuyển nặng. Vì vậy, người nhà cần theo dõi sức khoẻ cho người bệnh hoặc chính bệnh nhân cần tự theo dõi mình để đến bệnh viện kịp thời.
BS Thái nhấn mạnh, không phải ai dương tính với SARS-CoV-2 cũng sẽ trở nặng. Theo Bộ Y tế, số ca không có triệu chứng, biểu hiện lâm sàng nhẹ lên tới 80 %. Những trường hợp bệnh chỉ diễn tiến ở 2 giai đoạn đầu thường là người trẻ. Với những người cao tuổi, có bệnh nền, có thể đi vào giai đoạn 3, giai đoạn 4, thậm chí giai đoạn 5.
F0 cần bình tĩnh và tự theo dõi sức khoẻ của mình, BS Thái khuyên. Khi qua giai đoạn 5 ngày, người bệnh nên theo dõi các dấu hiệu như chỉ số oxy máu, nhịp tim... Nếu qua thời gian 5 – 7 ngày các triệu chứng kia không còn, có thể bạn nằm trong 80 % người bệnh Covid-19 chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.
Theo Ngọc Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)