Ngày 1/12, VnExpress đưa tin về một hiện tượng được gọi là "mồ hôi máu" lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Theo đó, thanh niên 24 tuổi đã đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám khi chiếc áo trắng đang mặc, đôi dép đang mang bỗng dưng nhuốm màu đỏ. Anh không cảm thấy đau đớn hay có bất kỳ cảm giác nào khác.
Trường hợp hiếm gặp này được giáo sư, tiến sĩ Trần Hậu Khang, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, phát hiện năm 2017, chia sẻ ngày 1/12.
Giáo sư tiến hành xét nghiệm và khẳng định bệnh nhân mắc hiện tượng mồ hôi máu. Đây là hiện tượng vô cùng hiếm gặp, thế giới đến nay chỉ ghi nhận khoảng gần 200 ca báo cáo trên y văn. Việt Nam trước bệnh nhân này chưa ghi nhận ca ‘mồ hôi máu’ nào.
Bệnh nhân sau đó đã được điều trị khỏi, trở thành ca điển hình được ghi vào y văn thế giới.
Vậy mồ hôi máu thực chất là gì?
Mồ hôi máu là gì?
Mồ hôi máu, còn được gọi là hematidrosis hoặc hematohidrosis, là một tình trạng y tế rất hiếm gặp khiến bạn chảy máu hoặc đổ mồ hôi kèm máu trên da khi bạn không bị trầy xước hay bị thương, theo Web MD – trang web y tế sức khỏe hàng đầu thế giới.
Chỉ một số ít trường hợp hematidrosis được xác nhận trong các nghiên cứu y học của thế kỷ 20.
Mồ hôi máu trên thế giới
Năm 2017, Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada (CMAJ) đăng tải thông tin về một nữ bệnh nhân 21 tuổi mắc mồ hôi máu ở Canada. Cô nhập viện với tình trạng đổ mồ hôi máu ở mặt và lòng bàn tay.
Các bác sĩ cho biết bệnh nhân có tiền sử đổ mồ hôi máu suốt 3 năm. Không có nguyên nhân rõ ràng nào, và hiện tượng toát mồ hôi máu tự phát xảy ra kể cả khi cô ngủ và hoạt động thể chất. Đổ mồ hôi máu dữ dội hơn khi nữ bệnh nhân bị căng thẳng, với các đợt kéo dài từ 1 đến 5 phút.
Một nhà huyết học ở Toronto, Canada, nói với Tập đoàn phát thanh truyền hình Canada (CBC) rằng ca bệnh này là "bất thường nhất".
Bác sĩ huyết học Michelle Sholzberg, Bệnh viện St. Michael, nói: "Tôi chưa từng thấy trường hợp nào như thế này – chưa bao giờ. Và tôi đã thấy một số chứng rối loạn chảy máu tồi tệ nhất, và tôi chưa bao giờ thấy họ đổ mồ hôi máu".
Nhà sử học y khoa người Canada, bà Jacalyn Duffin, nói với CBC rằng chứng mồ hôi máu cực kỳ hiếm gặp.
Bà Duffin tìm thấy một trường hợp mồ hôi máu vào đầu những năm 1600: một cậu bé Thụy Sĩ 12 tuổi bị sốt cao, người đổ mồ hôi máu qua áo sơ mi. Sau đó là một thanh niên người Bỉ bị kết án tử hình, sợ hãi đến mức toát mồ hôi máu.
Chứng mồ hôi máu không gây tử vong, nhưng Duffin nói rằng nó rất kinh hoàng đối với những bệnh nhân phải trải qua nó.
Triệu chứng của mồ hôi máu
Những người mắc chứng mồ hôi máu có thể toát ra mồ hôi chứa máu, theo Web MD. Điều này thường xảy ra trên khuôn mặt hoặc xung quanh mặt. Da xung quanh khu vực có máu có thể sưng lên tạm thời.
Toát mồ hôi máu thường tự ngừng và không nghiêm trọng, mặc dù nó có thể khiến bạn mất nước. Và, tất nhiên, nó có thể đáng lo ngại.
Nguyên nhân gây mồ hôi máu
Các bác sĩ không biết chính xác điều gì gây ra chứng ‘mồ hôi máu’, một phần vì nó rất hiếm. Họ cho rằng ‘mồ hôi máu’ có thể liên quan đến phản ứng "chiến đấu hay bỏ chạy" của cơ thể - phản ứng sinh lý khi cơ thể cảm nhận về một sự kiện đe dọa, nguy hiểm đến sự sống còn.
Các mạch máu nhỏ trên da có thể bị vỡ. Máu bên trong mạch có thể bị đẩy ra ngoài qua các tuyến mồ hôi, hoặc có thể có những túi nhỏ bất thường trong cấu trúc da. Những túi này có thể thu thập máu và khiến máu rò rỉ qua các nang lông hoặc trên bề mặt da.
Đối tượng nguy cơ cao mắc mồ hôi máu
Mồ hôi máu có thể là triệu chứng của các bệnh khác, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc rối loạn chảy máu. Nó cũng đã xảy ra với phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt.
Đôi khi, mồ hôi máu dường như xảy ra do sợ hãi tột độ, chẳng hạn như đối mặt với cái chết, bị tra tấn hoặc bị ngược đãi nghiêm trọng.
Điều trị mồ hôi máu
Nếu bác sĩ phát hiện hoặc nghi ngờ điều gì đó đang gây ra mồ hôi máu, họ sẽ cố gắng điều trị vấn đề gốc để ngăn nó xảy ra lần nữa.
Bệnh nhân có thể được dùng:
- Thuốc ức chế beta hoặc vitamin C để giảm huyết áp
- Thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu hoặc liệu pháp để kiềm chế căng thẳng cảm xúc
- Thuốc giúp đông máu hoặc cầm máu
Theo Trà My (Pháp luật và Bạn đọc)