Trong suy nghĩ của mọi người, trầm cảm - một căn bệnh khá phổ biến hiện nay - là chỉ trạng thái tinh thần, cảm xúc của một người đang "lao dốc" hoặc đứng trên bờ vực thẳm. Tuy nhiên gần đây, các nhà khoa học đã tìm được bằng chứng cho thấy chứng trầm cảm một phần là do hệ vi sinh vật ở ruột gây ra. Bởi trong ruột có một hệ vi sinh vật - nơi hàng nghìn tỷ vi sinh vật - ảnh hưởng đến sức khỏe và cảm xúc của mỗi người.
Theo đó, trong một loạt nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng vi sinh vật sống trong đường tiêu hóa có thể giúp điều chỉnh chức năng não, bao gồm cả sức khỏe tâm thần. Nói một cách dễ hiểu thì cảm giác căng thẳng, lo lắng hay trầm cảm của chúng ta có sự kết nối với sự rối loạn của hàng trăm loài vi khuẩn sống trong ruột của chúng ta. Một số nhà nghiên cứu gọi hệ vi sinh vật này là hệ thần kinh.
Không chỉ có vậy, các vi khuẩn trong ruột dường như cũng sản xuất ra một số chất tương tự như các chất mà bác sĩ sử dụng để điều trị trầm cảm. Đặc biệt hơn, những chất do hệ vi sinh "sản xuất" ra không chỉ tự nhiên mà còn đóng một vai trò trong việc duy trì cân bằng cảm xúc của chúng ta.
Tiến sĩ Jack Gilbert - nhà sinh vật học công tác tại Đại học California (Mỹ), người đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu hệ vi sinh vật đường ruột của con người, cho biết: "Cảm giác khó chịu mà bạn đang phải trải qua thường liên quan đến rối loạn tiêu hóa. Bởi các tín hiệu thần kinh thay đổi hóa học đi vào não làm thay đổi hóa học của não, từ đó hành vi tâm trạng của bạn cũng thay đổi".
Bác sĩ tâm thần Julio Licinio, làm việc tại trường Đại học Y khoa Upstate (New York, Mỹ) từng thực hiện một thí nghiệm trên chuột để chứng minh mối liên kết giữa hệ vi sinh vật trong ruột với chứng trầm cảm. Cụ thể, ông đã cùng các cộng sự của mình đã cho những con chuột uống hệ vi sinh vật trầm cảm, chúng bắt đầu hành xử theo giống bị trầm cảm như thèm ăn, tăng cân, hoạt động liên tục... Điều đáng chú ý là những loại vi sinh vật trầm cảm này lại là loại vi khuẩn phổ biến được tìm thấy trong ruột của con người.
Tiến sĩ Emeran Mayer - nhà tâm lý học y tế tại trường Đại học California, Los Angeles (Mỹ), người nghiên cứu về não và hệ vi sinh vật đường ruột, cho biết: "Chúng ta đang ở trong một cuộc đua lớn để tìm hiểu nguyên nhân của tất cả những bệnh liên quan đến não. Ví dụ nếu người thân của bạn mắc bệnh Parkinson hoặc Alzheimer hoặc trầm cảm nặng thì bạn sẽ có khả năng bị di truyền".
Tại sao hệ vi sinh vật trong ruột lại có mối liên quan đến bệnh trầm cảm?
Ban đầu, các chuyên gia y tế chỉ chú ý đến vi trùng gây bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, do sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh đã loại bỏ cả vi khuẩn xấu lẫn vi khuẩn tốt. Điều này khiến các nhà khoa học phải nghiên cứu lại để có thể xác định liệu các căn bệnh di truyền có chuyển giao giữa các thế hệ thông qua gen RNA ribosome 16 - một loại gen chỉ xuất hiện ở vi khuẩn - hay không. Kết quả cho thấy, hệ vi sinh vật có liên quan đến yếu tố di truyền.
Các nhà vi sinh học thuộc Hiệp hội Chuyển hóa và Tiêu hóa Thần kinh châu Âu đã tính toán rằng trong ruột của con người chứa hơn 100 nghìn tỷ vi sinh vật. Nếu gom lại, chúng sẽ nặng khoảng 2,26kg – lớn hơn một chút so với não người. Không chỉ thế, các nhà nghiên cứu còn ước tính rằng hệ vi sinh vật đóng góp khoảng 8 triệu gen mã hóa protein duy nhất và gen vi khuẩn nhiều hơn 360 lần gen người.
Những vi sinh vật này đặc biệt thích nghi với những thay đổi của môi trường, chế độ ăn uống và sinh hóa của cảm xúc. Mặc dù vẫn chưa biết chính xác lý do tại sao, nhưng những bệnh nhân mắc các chứng rối loạn tâm thần khác nhau bao gồm trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt và rối loạn phổ tự kỷ đều có sự gián đoạn đáng kể trong thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột của họ.
Tiến sĩ Jack Gilbert cho biết các vi sinh vật dường như liên lạc trực tiếp với não bằng cách ảnh hưởng đến các tín hiệu thần kinh và gián tiếp thông qua các chất hóa học được hấp thụ vào máu. Một số vi khuẩn đường ruột phổ biến còn tạo ra chất dẫn truyền thần kinh như serotonin ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh liên quan đến trí nhớ và tâm trạng.
Ngoài ra, một số vi khuẩn còn tạo ra một axit amin gọi là axit gamma-aminobutyric ngăn chặn một số tín hiệu não. Axit này được sử dụng trong y học để giảm lo lắng và cải thiện tâm trạng.
"Vi khuẩn đang tấn công các bộ phận bên trong cơ thể, đặc biệt các vi sinh vật trong ruột có thể tác động lên hành vi và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của con người. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu thêm về vấn đề này", tiến sĩ Jack Gilbert nói.
Theo Hồng Hạnh (Pháp Luật & Bạn Đọc)