Thời gian còn làm việc tại Bệnh viện K Trung ương, tôi thường phải khám và điều trị cho khá nhiều bệnh nhân. Ngoài những bệnh nhân trên khoa, vào những ngày ngồi phòng khám, bác sĩ có thể phải tiếp xúc đến cả trăm bệnh nhân.
Trong số đông ấy, có khá nhiều bệnh nhân từ chối điều trị, để xin về uống thuốc nam. Đáng buồn, nhiều người trong số đó bệnh đang ở giai đoạn sớm hoặc mắc loại ung thư có nhiều cơ hội chữa khỏi. Nhưng họ đều muốn về uống thuốc nam.
Với vai trò là bác sĩ điều trị, tôi thực sự buồn phiền. Bệnh nhân của mình đang từng ngày đánh mất đi cơ hội chữa trị của chính mình. Điều đó đồng nghĩa với việc họ cũng đang dần đánh mất đi cơ hội sống.
Gặp bệnh nhân xin về, tôi ra sức thuyết phục họ và cả người nhà. Đối với những trường hợp ấy, bác sĩ thường mất khá nhiều thời gian để tỉ tê, nói lý lẽ, đưa dẫn chúng, lấy ví dụ bệnh nhân này bệnh nhân kia… Nhưng sau một hồi bác sĩ thuyết phục, hầu hết những trường hợp như vậy vẫn từ chối điều trị và xin ra viện.
Thậm chí, có bệnh nhân ung thư thực quản, không ăn uống được gì, tôi đã tư vấn: “Nếu bác muốn điều trị bằng thuốc nam thì bác sĩ cũng chịu thôi, nhưng bác sĩ khuyên bác nên phẫu thuật mở đường ăn bằng mở thông dạ dày về nhà bác có muốn bác mới uống được thuốc”. Nhưng bệnh nhân và gia đình vẫn kiên quyết không “đụng dao kéo” và cái kết cuối cùng vẫn là xin về.
Về sau, khi gặp những bệnh nhân đã có ý định uống thuốc nam, tôi biết rằng rồi họ sớm muộn gì cũng sẽ bỏ điều trị. Dù vậy, trước khi bệnh nhân và người nhà ký bệnh án xin ra viện, tôi vẫn dành thời gian để thuyết phục lần cuối để đỡ cảm thấy day dứt lương tâm.
Hơn nữa, trước khi bệnh nhân ra viện, chúng tôi thường dặn người bệnh: “Bác về uống thuốc nam nếu khỏi bệnh xin hãy quay lại đây. Tôi sẽ mua lại bài thuốc ấy với giá 1 tỷ đồng, rồi bỏ nghề bác sĩ và chuyển sang bán thuốc nam".
Đã gần 10 năm trôi qua, đó là khoảng thời gian tôi học và làm việc tại Bệnh viện K Trung ương cho đến trước khi sang Nhật, không thấy bệnh nhân nào bỏ điều trị để uống thuốc nam mà quay lại sau khi khỏi bệnh. Thỉnh thoảng, một số bệnh nhân quay lại nhưng không phải vì khỏi bệnh mà vì khối u to lên, đau nhiều, biến chứng chảy máu, tắc ruột nên phải mổ cấp cứu.
Khi gặp lại những bệnh nhân ấy, vừa giận vừa buồn, vì tôi biết rằng cơ hội chữa trị đã không còn nữa…
Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Văn Thành, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Đại học Showa (Nhật Bản)
Theo PV (VietNamNet)