Mới đây, BS Nguyễn Thanh Sang, ĐH Y Dược TP.HCM, tiếp nhận trường hợp một cháu bé bị bỏng nặng trên ngực do bà nội hơ lá trầu đắp lên ngực chữa sổ mũi, khò khè. Trên các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm nuôi con, không hiếm các mẹ truyền tai nhau cách chữa bệnh cho trẻ mà không cần nhờ đến bác sĩ.
“Các mẹ ơi, em phải làm sao?”
“Các mẹ ơi, cu Bin nhà mình bị ho. Cu Bin mới tròn bốn tháng tuổi, mẹ cháu phải làm gì để trị dứt ho cho cháu?”. Rất nhanh, các bà mẹ đồng cảm và truyền lại kinh nghiệm dùng nước quả quất trộn với mật ong hoặc pha mật ong với sữa ngoài nếu bé uống sữa ngoài.
Có mẹ còn đăng đàn chia sẻ thành công khi áp dụng các phương pháp dân gian chữa chướng hơi đầy bụng cho bé để các mẹ khác học theo. Phương pháp khá kinh dị là tìm bắt mấy con gián đất không có cánh đập chết đi và nướng cùng mấy nhánh tỏi để đắp vào rốn bé. Hay cách đây không lâu có mẹ còn chia sẻ hạ sốt cho bé bằng cách cho con lươn sống bò trên lưng bé, khi lươn chết thì bé cũng hết sốt.
“Các mẹ ơi, có mẹ nào biết bác sĩ chuyên trị suyễn cho trẻ em thì chỉ giúp em với nhé” - một bà mẹ cầu cứu. Ngay lập tức, có nhiều ý kiến khuyên mẹ đi bác sĩ cho chắc ăn nhưng cũng có mẹ quả quyết có một biện pháp cắt suyễn rất tốt. “Nếu bé bị suyễn nặng thì dùng một cây nhang đốt lên, để một tờ giấy hoặc miếng vải ở chỗ gáy rồi hơ cây hương lên đó nhưng đừng để gần nhé, nóng quá bé khóc đấy” - bà mẹ này khuyên.
Thậm chí có mẹ còn quả quyết nhỏ sữa vào mắt cho bé chữa ghèn rất hiệu quả: “Hồi Thỏ nhà mình hơn hai tháng tuổi bị đau mắt, cứ lấy tay dụi, mình nhỏ nước muối cả ngày mà không đỡ. Bà ngoại Thỏ nói ngày trước không có nhiều thuốc, các cụ thường dùng chính sữa mẹ nhỏ vào mắt bé. Mình cũng nửa tin nửa ngờ nhưng vẫn thử nhỏ đúng một giọt sữa mẹ trước khi Thỏ đi ngủ và sáng hôm sau thì kết quả vượt ra ngoài mong muốn, mắt Thỏ không còn nhiều ghèn nữa, mình nhỏ thêm một giọt nữa thì mắt con mình khỏi hoàn toàn”.
Nhiều mẹ thì chia sẻ cách trị tiêu chảy cho bé bằng cách nấu nước lá ổi, rau sam, củ cải tươi, nhọ nồi... Có mẹ còn cả nể tuân theo ý bà là nhỏ chanh vào miệng em bé mới sinh cho bé ói đờm nhớt ra, sau này mới khỏe mạnh được hoặc nhỏ chanh vào mắt chữa ghèn.
Chưa được kiểm chứng
BS Nguyễn Lê Huy Anh, khoa Mắt BV quận Thủ Đức, kể từng tiếp nhận một số trường hợp chữa bệnh ở mắt bằng mẹo vặt khiến tình trạng bệnh nặng thêm. Đơn cử như trường hợp của bé Phan Hoàng A., 15 ngày tuổi, nhập viện với tình trạng mắt có nhiều chất tiết vàng nhầy, loét giác mạc rộng. Mẹ bé cho biết khi thấy bé chảy ghèn trắng ở mắt, bà của bé nhất quyết nhỏ chanh để tự điều trị cho cháu mà không đi khám. BS Anh còn khuyến cáo các phương pháp truyền miệng như nhỏ sữa, đắp thịt nhái lên mắt đều sai lầm.
Tiêu chảy là một phản ứng với cơ thể, tiêu chảy ở trẻ em có hai nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm trùng vi khuẩn hoặc virus, tiêu chảy giúp đào thải độc tố ra ngoài cơ thể nên có những trường hợp tiêu chảy ít khi cần phải cầm tiêu chảy.
Chất tanin có trong lá ổi, trà xanh, vỏ măng cụt... được sử dụng cầm tiêu chảy nhưng chỉ là điều trị triệu chứng, không giải quyết được nguyên nhân tận gốc, nếu dùng không đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như suy gan, suy thận, nhiễm trùng huyết...
BS LÊ NGỌC TUẤN ANH
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, cho biết bệnh viện từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi phỏng nặng vì đắp nước mắm, đắp lá thuốc không rõ nguồn gốc, cắt lễ khiến da bị phồng rộp, nhiễm trùng. Có trường hợp đắp tỏi hay quấn tỏi vào lòng bàn chân quá nhiều để chữa ho hoặc tắm với nước bỏ gừng nhưng pha gừng nhiều quá khiến trẻ bị bỏng.
BS Khanh cũng khuyên đối với trẻ quá nhỏ, đặc biệt chưa đến một tuổi, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, mật ong quá ngọt sẽ dễ khiến trẻ bị sặc và nhiễm trùng huyết nguy hiểm vì vi khuẩn có trong mật ong.
Nền y học cổ truyền được xây dựng trên kinh nghiệm từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, các phương pháp như chữa sổ mũi, khò khè bằng lá trầu hay nhỏ chanh, nhỏ sữa vào mắt... không được y học cổ truyền sử dụng bởi chưa có lý luận rõ ràng và được kiểm chứng. Người dân thích sử dụng phương pháp trị bệnh dân gian vì các phương pháp này thường dễ làm, dễ thực hiện. Người dân chưa có thói quen chăm sóc sức khỏe như khi có bệnh thì ngại đến các cơ sở y tế và tâm lý thích nghe truyền tai của người dân.
Tại bệnh viện, các phương pháp như đắp thuốc trị khớp, xông hơi điều trị cảm mạo vẫn đang được sử dụng nhưng dựa trên cơ sở lý luận rõ ràng và được Bộ Y tế chấp nhận.
Y học dân gian bản chất vẫn tốt, bằng chứng là có những bác sĩ, lương y như lương y Nguyễn Công Đức, GS Trần Văn Kỳ điều trị các bệnh lý rất hay bằng các vị thuốc có trong cuộc sống hằng ngày như lá lốt trị bệnh khớp nhưng trên cơ bản vẫn được xây dựng dựa trên nền tảng lý luận, cơ sở khoa học. Còn các phương pháp y học dân gian nếu chưa được chứng minh hoặc chưa có cơ sở lý luận rõ ràng thì không nên sử dụng.
BS LÊ NGỌC TUẤN ANH, khoa Cấp cứu Nội tim mạch thần kinh, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM
Theo Gia Nghi (Pháp Luật TPHCM)