Tôi là một cô gái ưa nhìn nhưng bị các cụ ở quê coi là "quá lứa lỡ thì". Bằng tuổi tôi, bạn bè đã 2-3 con. Tôi quen Khoa qua sự giới thiệu của người quen.
Về Khoa, anh đi xuất khẩu lao động từ năm 21 tuổi. Trong một lần về nước thăm gia đình, bà dì của anh đã mai mối cho chúng tôi thành đôi.
Quen nhau được 3 tuần, tôi nhận lời yêu khi anh trở lại Nhật làm việc. Yêu xa được 1 năm, chúng tôi quyết định sẽ tổ chức đám cưới. Khi đó, tôi 28 tuổi, anh hơn tôi 3 tuổi.
Ngày Khoa về nước, chúng tôi tổ chức lễ cưới hoành tráng. Họ hàng ai cũng mừng vì tôi lấy chồng muộn nhưng lại gặp được mối ngon. “Khoa đi Nhật 10 năm, tha hồ tiền, xây được cái biệt thự to thế kia cơ mà”.
Quả thật, ngôi nhà 2 mặt tiền hoành tráng đầu xóm được bố mẹ anh xây dựng hơn 1 năm mới xong, nổi bật nhất vùng quê nghèo. Bố anh từng nói với hàng xóm: “Tiền thằng Khoa gửi về xây để nó lấy vợ đấy”.
Tôi lên xe hoa theo chồng về dinh. Ngay tối hôm cưới, mẹ chồng gọi tôi vào phòng riêng nói chuyện. Bà bảo: “Chắc Khoa chưa nói với con đúng không? Con đưa mẹ tất cả số vòng vàng bên ngoại mừng đám cưới nhé, cả tiền ở phong bì nữa. Mẹ phải trả nợ tiền xây nhà và cả tiền tổ chức đám cưới”.
Khoa đi làm 10 năm, thời gian đầu còn gửi tiền về cho bố mẹ. Nhưng từ khi có người yêu, xác định chung sống như vợ chồng nên có bao nhiêu Khoa đưa cho Yến - người yêu lúc đó giữ hết.
Trong thời gian tìm hiểu, Khoa cũng kể cho tôi nghe về chuyện lúc ở bên Nhật anh từng yêu một cô gái người Đà Nẵng. Họ chung sống với nhau được 7 năm, nhưng sau đó do mâu thuẫn nên mỗi người một nơi và không liên lạc với nhau nữa.
Tuy nhiên, có một chuyện Khoa không kể cho tôi. Cách đây gần 3 năm, trong một lần nghỉ phép, Yến cùng Khoa về Đà Nẵng chơi. Cô ta rủ chồng tôi hùn tiền cùng với họ hàng mua đất ven biển đầu tư xây dựng khu resort. Tin tưởng người yêu, Khoa mang hết số tiền kiếm được đi đầu tư.
Yến về nước luôn sau đó, để mặc Khoa ở lại Nhật lao động. Cô ta nói rằng, bản thân về nước để lo chuyện làm ăn cùng gia đình. Khi nào khu resort đi vào hoạt động thì Khoa hãy về.
Họ mua được mảnh đất ven biển, xin cấp phép xây dựng… Nhưng tất cả tài sản đó, không có phần nào đứng tên Khoa. Yến còn dùng lời ngon ngọt dỗ dành Khoa: “Vì anh ở xa nên mọi thủ tục đứng tên mình em cho tiện. Đằng nào sau này chẳng là của chung”.
Nhưng cũng từ đó, chuyện tình yêu của họ nhạt dần. Khoa chủ động về nước tìm tới nhà Yến nhưng cô ta tránh mặt. Họ hàng cô ta đuổi Khoa, nói rằng Khoa không liên quan gì nên không được phép tới tìm Yến nữa.
Khoa rơi vào tuyệt vọng. Bố mẹ Khoa xác định số tiền mồ hôi nước mắt của con trai lao động cực nhọc bao năm coi như mất trắng. Lo lắng cho cậu con trai độc nhất, ông bà động viên con: “Thôi con về quê, lấy vợ sinh con. Rồi vợ chồng có sức khỏe cùng nhau làm lại từ đầu”.
Biết chuyện, tôi hơi sốc. Không phải tôi vỡ mộng vì ham làm dâu nhà giàu, tôi chỉ bất ngờ khi mọi người cố tạo dựng vỏ bọc thành công cho chồng tôi. Tôi cũng thương anh, vì hiền lành tin người nên mất trắng tài sản.
Tôi động viên chồng, hai người cùng nhau cố gắng tập trung kinh doanh. Từ ngày đường cao tốc Bắc Nam đi qua huyện, quê tôi đang phát triển mạnh. Cửa hàng vật liệu xây dựng của vợ chồng tôi buôn bán cũng thuận lợi.
Khi tôi đang mang thai con đầu lòng được 7 tháng, chồng tôi nói: “Hôm trước Yến gọi điện cho anh. Yến xin lỗi vì trước đây nghe lời người nhà xúi bẩy. Nhưng quả báo đến sớm, ông chú cô ta bị tai nạn mất, khu resort ế ẩm do không có người quản lý giỏi. Cô ta gọi anh vào làm cùng. Lời lãi chia đôi và sẽ sang tên cổ phần trả lại cho anh”.
Chồng tôi phân vân chuyện vào đó làm ăn cùng cô ta để lấy lại số tiền đã mất. Anh đã tin tưởng và tâm sự thật với tôi. Tôi muốn chồng lấy lại tài sản nhưng cũng sợ tình cũ không rủ cũng tới với chồng. Con tôi sắp chào đời rồi. Không biết có nên để chồng đi vào đó một chuyến hay không.
Theo H.X (VietNamNet)