Nhiều người đàn ông nói rằng việc chứng kiến vợ sinh con là một trong những sự kiện quan trọng nhất cuộc đời mình, nhưng các bác sĩ lại cho rằng sự hiện diện của họ không phải lúc nào cũng đem đến hiệu quả tích cực. Một số ông bố quyết định có mặt trong phòng sinh cùng vợ vì họ cảm thấy mình "nên" ở đó hơn là một mong muốn thực sự. Họ có thể không thích làm điều đó nhưng vì cảm giác "đây là người tôi yêu nhất trên đời đang trải qua nỗi đau khủng khiếp và tôi không thể làm gì để giảm bớt điều đó cho cô ấy" nên họ đã có mặt. Ở Anh, ước tính có hơn 90% các ông bố tham gia vào quá trình người vợ sinh con. Hầu hết trong số họ đều khẳng định rằng đó là một trải nghiệm "quý giá nhất" của cuộc đời mình, nhưng liệu họ có nói sự thật?
Năm 1960 - khi tỷ lệ này là gần 15% - một bác sĩ tại London đã phỏng vấn các ông bố và cộng sự sau ca sinh. Ông hỏi rằng liệu họ có phải là những nhân chứng hạnh phúc? Không có ngoại lệ, họ đều trả lời là "Có".
Bác sĩ George Davidson sau đó nói chuyện với từng người và đảm bảo rằng những câu trả lời của họ là bí mật. Lần này, phần lớn các ông bố lại nói rằng mặc dù sinh nở là một việc phi thường nhưng họ có thể sống mà không cần có nó. Nhiều người cảm thấy chuyện này có thể giúp mối quan hệ giữa họ với vợ được cải thiện ít nhiều, nhưng số khác thừa nhận những hình ảnh của đối tác khi sinh con gây ám ảnh cho đời sống tình dục lành mạnh.
Các phát hiện của Davidson phần lớn bị bỏ qua và các ông bố ngày càng có mặt nhiều hơn trong phòng sinh thay vì đứng ở hành lang bệnh viện. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1990, bác sĩ phụ khoa người Pháp, Michel Odent, người tiên phong trong phong trào water birth (sinh con dưới nước), đã làm một điều khác biệt là không có mặt lúc vợ sinh con.
Sau khi phỏng vấn hàng trăm cặp vợ chồng, Odent đưa ra ý kiến rằng sự hiện diện của người cha không phải lúc nào cũng có ích cho quá trình sinh con. Người cha bị căng thẳng khi nhìn thấy đối tác của mình đau đớn có thể sẽ cố gắng an ủi bằng cách nói chuyện. Tuy nhiên, những nỗ lực trong cuộc trò chuyện buộc người phụ nữ phản ứng lại và một phần của bộ não đã mất tập trung vào công việc chính. Làm như vậy, Odent cho rằng, đàn ông đã cản trở việc sinh nở, và có thể góp phần làm tăng tỷ lệ sinh mổ.
Liz Purnell-Webb, người sáng lập kênh thông tin về mang thai và sinh nở A Mother's Touch tại Hong Kong, là "một tín đồ của việc trẻ nên sinh ra theo cách mà chúng được tạo thành", cung cấp cho chúng một môi trường tích cực, "với tình yêu và tình thân". Purnell-Webb cho rằng đứa trẻ khi bước vào thế giới này sẽ được hưởng nhiều lợi ích khi nghe thấy tiếng nói của cha mẹ và "nếu người mẹ phải sinh mổ thì người cha có mặt ở đó sẽ da tiếp da với con". "Việc trao quyền cho người cha, mối quan hệ thân thiết với vợ chồng, sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa bố mẹ và đứa trẻ" là tất cả những lý do có giá trị để người bố nên có mặt trong phòng sinh, theo Purnell-Webb.
Tuy nhiên, bà cũng đồng ý rằng nhiều ông bố cảm thấy căng thẳng thái quá và không biết những gì có thể làm để hỗ trợ đối tác. "Điều này phụ thuộc vào việc cung cấp cho người cha kiến thức hỗ trợ lúc chuyển dạ - trong khi sinh - lúc bé ra đời". Những hiểu biết đó sẽ giúp các ông bố khắc phục được bất kỳ nỗi sợ hãi nào có thể đến với mình.
Kathy Kitzis sống ở Hong Kong 14 năm, làm công việc đỡ đẻ và là giáo viên cho chương trình tiền sản Calmbirth trong 8 năm. Cô nói: "Tôi vô cùng ủng hộ cho việc có một người hiểu biết trong phòng sinh - những người sẽ mang lại năng lượng tích cực". Và đó có thể là cha của em bé, mẹ của sản phụ hoặc một người đỡ đẻ chuyên nghiệp.
Mỗi người phụ nữ là riêng biệt và có nhiều tình huống khác nhau, Kitzis nói thêm: "Không phải là một nguyên tắc phù hợp cho tất cả mọi người. Tôi đã tham gia vào nhiều ca sinh nở - nơi tôi làm tất cả mọi thứ có thể để khuyến khích một bà mẹ, và họ cũng cần nghe những lời động viên từ chồng... Tôi cũng đã ở nơi mà người chồng thực sự không biết làm thế nào để giúp đỡ vợ và nó trở thành một sự cản trở".
Kitzis hoàn toàn ủng hộ sự tham gia của cả hai bố mẹ trước khi chuyển dạ. "Tôi tin tưởng rằng cả bố lẫn mẹ nên chuẩn bị cho việc sinh nở vì hai người đều có những vai trò khác nhau. Việc hai người hiểu quy trình sinh con là rất quan trọng".
Cô đồng ý rằng ngày nay có nhiều áp lực đối với người cha để trở thành "một đối tác tuyệt vời trong phòng sinh", nhưng mọi chuyện có thể khắc phục được và đừng lo lắng rằng "DNA của người đàn ông không phải là một người đồng hành tốt lúc lâm bồn". Sự kiên nhẫn, hỗ trợ và thái độ tích cực của người cha là chìa khóa giải quyết vấn đề.
"Tôi đã nhìn thấy mối liên hệ tuyệt vời giữa hai bố mẹ trong quá trình sinh con. Tôi nghĩ rằng sẽ là rất buồn nếu các ông bố không chứng kiến sự ra đời của con mình. Họ sẽ có sự trân trọng mới đối với vợ khi nhìn những gì cô ấy phải trải qua", Kitzis nói.
David Vernon, tác giả người Australia, chủ nhân của cuốn sách Men at Birth, đã đề cập đến trải nghiệm của hàng trăm người cha chứng kiến con chào đời với hai luồng quan điểm trái chiều. "Phụ nữ khi sinh con, hormone oxytocin và endorphin tăng lên trong cơ thể của họ, và do đó nhận thức về sự đau đớn khác biệt so với đối tác. Còn đàn ông, những người chưa bao giờ nghe thấy chuyện sinh đẻ trước đó, âm thanh ồn ào khi phụ nữ sinh con có vẻ như một nỗi đau đớn cực độ và điều này khiến họ lo lắng hoặc sợ hãi", tác giả viết.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện trên các ý kiến khác nhau của những ông bố. Một số người đã chứng minh quan điểm của Odent và Vernon rằng: Nếu người đàn ông hiểu được nỗi đau sinh đẻ, người phụ nữ của họ sẽ trải qua quá trình sinh ngắn hơn, ít phức tạp hơn. Còn các bà mẹ cần chú ý đến kết quả của nghiên cứu khác: Sự có mặt của người bố lúc sinh không tương quan với mức độ tham gia nhiều hơn.
Mấu chốt của tất cả những điều này - không có một cách đúng để thực hiện, chỉ có cách đúng cho bạn. Và sự vắng mặt của người cha khi sinh con không làm cho họ ít trách nhiệm hơn.
Theo Hà Nhi (Ngoisao.net)