Khi đã quyết định bước chân vào hôn nhân, mỗi người cần phải chuẩn bị đủ hành trang, bao gồm tinh thần trách nhiệm và sự vun đắp xây dựng.
Người chồng vắng nhà nhiều tới nỗi con không theo bố
Quỳnh (30 tuổi) chia sẻ cô và Khoa có thời gian yêu nhau 4 năm trước khi tiến đến hôn nhân. “Khi tôi 27 tuổi, gia đình 2 bên không cho trì hoãn thêm, dù chồng tôi vẫn chưa muốn cưới. Không phải có người khác mà vì anh ấy không thích bị ràng buộc”, cô kể.
Sau đám cưới Quỳnh mang thai ngay. Dù đã lên chức bố nhưng Khoa vẫn giữ lối sống tự do như khi còn độc thân. Thời gian anh ở ngoài nhiều hơn ở nhà. Ngày đi làm, tối về anh lại tụ tập, họp mặt với bạn bè, đồng nghiệp gần như kín tuần. Ngày nghỉ có khi anh còn đi chơi xa qua đêm, tham gia hội câu cá, nhiếp ảnh đủ cả.
Quỳnh giận làm ngơ chồng, anh càng vui và nhẹ nhõm vì không bị ai quản lý, ép buộc. Có khi anh cùng bạn bè đi phượt vài ngày. Quỳnh trách móc thì Khoa tỉnh bơ đáp: “Vợ chiến tranh lạnh, về nhà chỉ ngột ngạt, tôi đi ra ngoài thì sao? Cô yên tâm, tôi không bao giờ làm gì có lỗi với vợ”.
“Quen biết anh ấy đã nhiều năm, tôi tin chồng không làm điều gì có lỗi với vợ. Nhóm bạn của anh ấy đều là nam giới. Bởi vậy mà chồng tôi mới được đà lấn tới, cho rằng mình không làm gì sai, đàn ông mải chơi chút là bình thường, vợ phải thông cảm và nhẫn nhịn…”, Quỳnh nói.
Hàng tháng Khoa góp 65% tiền chi tiêu, còn lại anh phó mặc toàn bộ cho Quỳnh. Chỉ với chi tiết con gái còn không theo bố, được bố bế lại khóc thét lên thì đủ biết Khoa dành ít thời gian cho gia đình thế nào.
Vợ lên án, trách móc nhiều lần, Khoa thậm chí còn buông lời cay nghiệt: "Là ai muốn thế này? Tôi đã bảo đừng cưới vội, cô ham hố cưới rồi bây giờ kêu ca nỗi gì? Chắc sợ lúc ấy chia tay, già xấu rồi chẳng ai thèm ngó ngàng đến nên sốt sắng trói tôi hả? Nếu đã vậy thì hãy biết điều một chút, nhìn rộng ra đi, tôi còn hơn đầy gã đàn ông khác đấy!".
Món quà cuối cùng cô vợ tặng chồng khi “tức nước vỡ bờ”
Hôm đó Khoa đi nhậu đến 2h sáng mới về. Thời điểm tan làm, anh nhận được tin nhắn của vợ dặn về sớm vì là dịp kỷ niệm 3 năm ngày cưới. Khoa thở dài, không đáp lại. Anh nghĩ vợ chồng đã ở cạnh nhau 365 ngày, sao còn phải bày vẽ kỷ niệm? Tối ấy anh hẹn gặp mặt với mấy người bạn thân, nếu vắng mặt nhất định sẽ bị trách móc.
Đêm khuya về đến nhà, Khoa nghĩ vợ và con đã ngủ. Vào bếp, mở lồng bàn cơm, anh thấy đồ ăn Quỳnh phần chồng trong mâm. Khoa ngồi ăn 2 bát cơm vì đồ ăn Quỳnh nấu lúc nào cũng hợp khẩu vị. Ai ngờ đến khi vào phòng ngủ, anh mới giật mình vì chẳng có Quỳnh và con trong đó.
Khoa tìm thấy một mảnh giấy trên bàn trang điểm vợ để lại. “Đây là lần cuối em dọn nhà, nấu cơm vì anh. Hy vọng từ giờ anh có thể tự chăm sóc tốt cho bản thân”, Quỳnh chỉ viết dòng chữ ngắn gọn cho chồng. Khoa run rẩy cầm mảnh giấy, có cảm giác như anh đã để vuột mất một thứ rất quan trọng. Trước khi rời đi, Quỳnh dọn nhà gọn gàng, sắp xếp mọi thứ ngăn nắp sạch sẽ và nấu một mâm cơm đều là những món chồng thích. Đó chính là món quà sau cuối cô dành tặng anh.
"Tôi chưa viết đơn ly hôn không phải vì còn mong hàn gắn với chồng mà vì đã quá chán chường, thất vọng. Chuyện ly hôn chỉ là thủ tục, thực hiện lúc nào cũng được", Quỳnh nói.
Cả đêm ấy Khoa gọi điện nhưng cô không nghe máy. “Với anh ấy, hôn nhân là gông cùm, xiềng xích trói buộc. Còn tôi, tôi cần một người chồng đủ trách nhiệm, biết đâu là việc cần làm để xây đắp hạnh phúc. Phần vì nhiều tổn thương tích tụ, trái tim tôi đã nguội lạnh. Phần vì không còn đủ niềm tin anh ấy sẽ thay đổi, tôi quyết định ly hôn dù chồng níu kéo và hai bên gia đình khuyên nhủ”, Quỳnh tâm sự.
Quyết định ấy chỉ có Quỳnh là người cảm nhận rõ nhất nó có mang lại sự nhẹ nhõm, vui vẻ cho cô hay không. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là muốn có hạnh phúc thì phải bỏ công sức, thời gian chăm sóc, vun vén. Không phải bỗng dưng mà có sẵn một tổ ấm bình yên để chúng ta trở về.
Theo Sen Trắng (Pháp Luật & Bạn Đọc)