Chị em chạnh lòng khi xem Lễ ly hôn của người Nhật

25/05/2018 19:25:41

Ở Việt Nam, không ít người chồng có suy nghĩ không chấp nhận ly hôn mặc dù hôn nhân của họ chỉ còn ngục tù cho cả hai người thì ở đất nước mặt trời mọc, người ta lại có một cái lễ cực kỳ đặc biệt: Lễ ly hôn.

Chị em chạnh lòng khi xem Lễ ly hôn của người Nhật
Các cặp đôi sẽ dùng búa đập méo chiếc nhẫn cưới họ từng trao nhau tại lễ ly của người Nhật. Ảnh minh họa

Lễ Ly hôn gây xôn xao cư dân mạng

Người Việt chỉ vừa mới biết đến cái lễ ly hôn này khi mới đây, một clip ghi lại những nghi lễ ly hôn của một cặp vợ chồng trẻ người Nhật trước sự chứng kiến của quan khách, bạn bè. Lễ ly hôn này được tổ chức trang nghiêm nhưng cũng đầy tiếng cười vui vào cuối buổi lễ. Bắt đầu, cặp vợ chồng tiến vào lễ đài cùng dòng chữ được dịch ra tiếng Việt hiện lên trên clip: “Lần thứ hai, niềm hạnh phúc đến với cặp đôi này. Vì từ nay, họ sẽ được đi con đường của riêng mình. Nhưng đây không phải là một hôn lễ mà thực sự là “Lễ Ly hôn” dành cho cặp đôi trẻ muốn kết thúc sau 8 năm chung sống. Họ quyết định rằng, cuộc hôn nhân của mình không thể kết thúc trong cay đắng và buồn tủi. Vì thế, họ muốn mời bạn bè đến ăn mừng về sự tự do”.

Sau màn giới thiệu này, clip ghi lại các nghi lễ quan trọng của buổi lễ: Đầu tiên, người "phản chứng hôn" sẽ phát biểu: Bằng nghi thức này, tôi tuyên bố anh chị được giải thoát. Và hy vọng hôm nay là ngày tốt để hai người tái khởi động cuộc đời mình.

Tiếp theo cặp đôi sẽ ký vào giấy ly hôn. Và sau đó, cặp đôi sẽ nắm tay nhau đập vỡ nhẫn cưới trước sự chứng kiến của các khách mời.

Cặp đôi sẽ cùng nhau xem lại những phút giây của họ trong quá khứ. Sau đó, đoạn phim này sẽ bị xóa vĩnh viễn và tất cả các album ảnh chụp chung sẽ bị đốt đi.

Bó hoa màu vàng vốn thể hiện sự chia ly và phản bội, sẽ được chú rể ném ra đằng sau. Có lẽ đây là bó hoa ít ai muốn nhận. Nhưng ai đang trong tình trạng chán nản cuộc hôn nhân hiện tại thì nên nhận để được chúc phúc chia tay trong hòa bình.

Cựu chú rể nói: Chúng tôi nghĩ rằng, khi bạn đã từng có một khởi đầu tốt đẹp thì cũng nên để nó có một kết thúc tốt đẹp. Đó là bản lề cho một sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn”.

Nhiều người Việt khi xem clip này đã khen nét văn hóa của người Nhật thể hiện trong mọi ngóc ngách của đời sống, kể cả trong vấn đề hết sức tế nhị, đó là vấn đề ly hôn.

Ly hôn vốn là điều không ai mong muốn. Ly hôn vốn chất chứa trong đó bao nhiêu phiền muộn, bao nhiêu điều bất như ý, bao nhiêu sự đau khổ và cả bế tắc của người trong cuộc. Ly hôn là chia ly, chia ly cũng là khổ đau, là nước mắt. Thế nhưng, ngay cả khi một vấn đề tưởng như chỉ mang lại khổ đau buồn tủi thì người Nhật vẫn tìm ra được giải pháp vô cùng nhân văn và hết sức trí tuệ, đó là “Lễ ly hôn”. Họ đã biến ngày buồn chia ly thành ngày Lễ trọng cho sự khởi đầu mới. Và ngày Lễ đó, có cả nỗi buồn, có cả nước mắt nhưng cũng có cả tiếng cười. Qua Lễ ly hôn này cho thấy người Nhật có lối sống và suy nghĩ tích cực, có niềm tin mãnh liệt, không lay chuyển rằng: mặt trời sẽ mọc khi đêm tối kết thúc, mầm cây sẽ nhú trên những cành cây trụi lá khi mùa đông qua, kết thúc vì thế cũng là sự khởi đầu. Vì thấm nhuần lối sống tích cực, lối suy nghĩ tích cực, cách sống tự lực tự cường nên người Nhật đã có một nền văn hóa tuyệt vời đáng để cả thế giới ngưỡng mộ. Và Lễ ly hôn, một nghi lễ dành cho phạm vi gia đình nhưng người Nhật thêm một lần nữa đã cho cả thế giới biết rằng, họ là những con người hết sức văn minh và tử tế. Tử tế ngay cả trong những thứ được cho là không tốt, là thứ không ai mong muốn, đó là ly hôn. Từ vấn đề mà nhiều nước coi là “nạn”, là “vấn nạn” thì người Nhật đã biến “rác thành hoa”, biến “khổ đau thành cơ hội để bắt đầu cho một điều tốt đẹp”.

Soi cách ứng xử của đàn ông Việt trước vấn đề ly hôn

Nhìn cách hành xử của người Nhật đối với vấn đề ly hôn chúng ta lại chạnh lòng khi nhìn vào hàng loạt vụ việc đau lòng xảy ra liên quan đến ly hôn, đến chia tay của người Việt. Nhiều người chồng viện cớ “đàn ông chỉ muốn thêm không muốn bớt” nên đã chầy cối để giữ rịt cuộc hôn nhân bất hạnh. Họ thà ngoại tình, họ thà phạm tội, họ thà làm khổ con cái… chứ nhất quyết không buông tha người đàn bà đã là vợ của anh ta. Vì không chịu buông nên họ đã để cho thái độ sống tiêu cực thiêu đốt chính họ và thiêu đốt cả gia đình họ. Những người chồng này không quan tâm đến người phối ngẫu nghĩ gì, chỉ quan tâm đến điều duy nhất đó là ý muốn giữ bằng được hôn nhân của họ. Thái độ chầy cối “giữ bằng được” đó đã dẫn đến những hành xử thô bạo điên cuồng như dọa dẫm, đánh đập, chém giết người bạn đời như chúng tôi đã phản ánh trong những bài viết ở những số báo trước. Nguyên nhân dẫn đến sự chày cối của không ít các ông chồng, theo các chuyên gia không chỉ đơn là “chỉ muốn thêm không muốn bớt” mà còn do trình độ nhận thức, do thái độ sống thiếu sự tự trọng và do cả sự yếu đuối ở các ông chồng. Sự yếu đuối đó thể hiện ở một thái cực đối ngược đó là hung hãn bạo lực. Thế nên người ta mới nói “Sự giận giữ của đàn ông không phải là tiếng gầm của sư tử mà là tiếng khóc của một đứa trẻ”. Người đàn ông bạo lực vợ là thể hiện sự bất lực của chính họ. Họ là người không tự chủ, không thể sống cuộc sống tự lập, độc lập. Họ được gọi là phái mạnh nhưng những người đàn ông đó thường là không hề mạnh mẽ, không hề vững chãi. Họ không phải là chỗ nương tựa của vợ, của con mà có khi ngược lại, họ lại là người đang nương tựa vào vợ, vào con và vào gia đình. Nhiều người trong số họ không thể một mình lo được cho bản thân, không biết nấu cơm, không biết giặt giũ, không biết đi chợ, không biết tự phục vụ mọi nhu cầu cơ bản của mình.

Theo Ngân Khánh (Giadinh.net.vn)

Nổi bật