"Nếu nhà em ở thành phố hoặc cơ bản là có điều kiện một tí thì chắc mọi chuyện cũng không đến nỗi tệ. Em sẽ chẳng bị mẹ chồng khinh rẻ, coi thường, rồi chốc chốc lại gây khó dễ", Ngân thở dài kể lại chuyện sống chung với mẹ chồng của mình. Dù mọi chuyện đã lui về quá khứ đến ngót 1 năm nay nhưng cứ mỗi khi nghĩ lại cô vẫn thấy chạnh lòng.
Ngân quen Long từ khi học Đại học. Cảm mến cô bạn hiền lành, giản dị, Long ngỏ lời yêu. Lúc đầu Ngân cũng ngại. Tại so với anh, cô cách xa một trời một vực. Bố mẹ Long đều là công chức về hưu, nhà 3 tầng ở đầu phố. Còn cô thì xuất thân nông thôn.
Để cưới được nhau họ cũng trải qua trăm cái khổ. Vì mẹ Long đương nhiên chẳng thích kết thông gia với một nơi không môn đăng hộ đối. Tại Long cứ năn nỉ mãi không thôi, với cơ bản là hai người chơi bài "ván đã đóng thuyền" nên bà chẳng thể nào từ chối được. Chấp nhận Ngân về làm con dâu khi cô đã có bầu 2 tháng, bà chẳng vui vẻ gì.
Mẹ Long thì khéo, chẳng bao giờ nạt nộ, trách mắng con dâu. Lúc nào bà cũng tỏ ra thảo thơm ngọt ngào với Ngân nên ai nhìn vào cũng nghĩ cô sướng, được mẹ chồng yêu chiều. Nhưng nào có phải, lắm câu bà nói Ngân nghe như bị xát muối vào tim, "mật ngọt mà chết ruồi"!
Được cái mẹ Long cũng quý cháu nội. Ngân cứ vin vào lý do đó với hi vọng rồi sẽ có ngày con gái sẽ giúp mình kết nối mối thân tình với mẹ chồng.
Từ ngày bé Cốm biết ăn dặm, bà ngoại ở quê liền nghĩ đến việc trồng thêm rau quả, nuôi thêm vài đàn gà trong vườn để gửi ra thành phố. Ngân bảo: "Mẹ em tính cẩn thận lắm. Bà xem thời sự thấy người ta đưa tin về thực phẩm bẩn thì không yên tâm. Lần nào điện thoại ra cũng bảo em đừng ăn rau quả trong siêu thị, đắt mà chẳng biết có chất lượng hay không. Mẹ cứ nằng nặc đòi anh Long chạy xe ra bến, 1 tuần 2 lần để lấy rau, trứng, thịt gà mẹ gửi ở quê ra ăn cho lành".
Ngân ngại mẹ vất vả, mất công nên nhiều lần từ chối. Nhưng mẹ cô không chịu. Bà cứ ngấm ngầm gửi đồ lên xe trước mới điện cho con gái con rể ra bến lấy đồ. Thế là không muốn cô cũng buộc phải nhận.
Ngân chia sẻ: "Mấy lần anh Long ra bến lấy đồ về, giở cái bì ra mà em khóc hết nước mắt. Thứ gì mẹ cũng gửi ra đây, từ củ hành củ tỏi đến thịt gà và đủ thứ loại rau củ khác. Cứ như thể mẹ gom được ở nhà bao nhiêu đùm gói hết ra cho con cháu bấy nhiêu. Lắm hôm mẹ gửi cả trứng ra, đi đường xe xóc trứng vỡ mất gần hết. Thương mẹ mà em không dám nói lại, cứ ôm đùm trứng khóc vì tủi thân. Con gái đi lấy chồng xa chẳng lo được gì cho mẹ, ngược lại còn khiến bà vất vả thêm".
Thông gia tốt tính là thế nhưng mẹ Long lại cho là người ta đang bôi bác mình. Lần nào Long rục rịch đi lấy đồ là bà lại nói ý: "Ra sự nhà này không nuôi nổi con cháu hay sao mà cứ phải phiền bà bên đấy mãi?".
Lần nào đưa đồ về cũng chỉ có vợ chồng Ngân lo cất xếp vào tủ, nấu nướng. Tuyệt nhiên mẹ Long không bao giờ đụng tới. Bà có nấu thì cũng tự ra chợ mua đồ mới về ăn.
Nhỡ có một lần bỏ quên túi cà chua quá lâu trong tủ, khi lục ra có quả bị thối nhũn, mẹ Long mới làm um lên: "Tiếc rẻ gì mà cứ tha lôi về nhà, bẩn thỉu sinh vi khuẩn rồi lại đổ bệnh ra".
Từ hôm ấy bà tỏ ra hậm hực với mấy túi đồ trữ trong tủ. Ngân biết ý với cũng thương mẹ nên đã điện về nhắc khéo bà thư thư hẵng gửi đồ. Nhưng mẹ cô không nghe. Lần đó bà mới hái được lứa ổi găng đầu vụ, rất thơm và ngon. Biết bà thông gia thích ăn món ấy nên bà khăng khăng đòi gửi ra bằng được.
Long vừa giở túi đồ, lôi ra túi ổi găng to đùng. Mẹ anh thấy vậy không vui vẻ gì mà bảo: "Nát hết cả rồi ăn sao nổi. Ổi quê với ổi thành phố khác gì nhau mà bà cứ mất công làm gì". Rồi bà cho tuốt chỗ ổi với rau dập vào túi rác mang đi đổ.
Ngân thấy vậy buồn mà chẳng biết làm sao.
Tối đó cô đang trên cửa hàng thì bất ngờ Long điện thoại gọi về. Cốm bất ngờ bị đi ngoài, nôn ói. Cả nhà phải đưa đi cấp cứu. Bác sĩ bảo con bé bị ngộ độc thực phẩm. Khổ một nỗi là hôm ấy Long và bố bụng cũng không được khỏe. Sau mọi người mới truy ra là chỗ giá đỗ mẹ chồng cô mua về nấu ăn hôm đó không đảm bảo vệ sinh.
Ngân ôm con trong phòng khóc thút thít. Mẹ chồng ngồi bên thất thần. Bố Long đi ra đi vào, bực quá nên ông quạu: "Lâu nay con bé có bị sao đâu. Bà đi chợ nấu cho cháu bữa bột thì nó thế. Rau quả ngoài này mua chỗ nào cũng dở. May có bà thông gia gửi đồ sạch lên ăn thì bà lại chê. Giờ thì khổ chưa!".
Mẹ chồng không nói năng câu gì. Bà cứ ngồi im nắm tay Cốm. Ngân mới động viên: "Bố mẹ đừng lo, cũng chỉ là tai nạn thôi ạ. Cháu nhỏ chẳng tránh được lúc ốm đau. Mẹ cũng vì lo cho cháu nên mới vậy. Cũng tại con không chu đáo, đáng ra trước khi đi làm nấu sẵn đồ cho Cốm và cả nhà thì đã chẳng xảy ra chuyện. Mẹ đi chợ, người ta bán gì mua nấy, cũng chẳng biết trước được mà tránh".
May sao vài ngày sau đó Cốm cũng khỏe. Từ lần ấy mẹ chồng cũng không còn gây khó dễ với Ngân nữa.
Cô kể: "Chắc tại bà thấy em không trách tội nên cũng hiểu ra và thông cảm cho em. Giờ thì 2 bên thông gia thân nhau hơn rồi. Mẹ chồng em sợ tái lại chuyện cũ nên quyết định gửi tiền về nhờ thông gia trồng hộ rau, nuôi giúp gà để lấy đồ sạch ăn".
Theo Mai Mai (Nhịp Sống Việt)