Bác sĩ Trần Chí Lăng, khoa tai mũi họng, bệnh viện Hangzhou Hospital of Traditional Chinese Medicine, mới đây chia sẻ về trường hợp bà Trương (60 tuổi) sống tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Vài ngày trước, bà Trương đặt mua trà sữa theo trào lưu "ly trà sữa đầu tiên vào mùa thu" và đăng tải trên mạng xã hội. Bà Trương đính kèm dòng trạng thái: "Ly trà sữa đầu tiên vào mùa thu khiến tôi cảm thấy ấm cả người". Không ngờ, tối hôm ấy, sau khi uống trà sữa thì bà Trương khó ngủ nên đã sử dụng thuốc an thần và ho ra máu nên được đưa vào bệnh viện khám.
Bác sĩ Trần Chí Lăng cho biết: "Bệnh nhân vốn có tiền sử mắc bệnh trào ngược dạ dày. Lần này, bệnh nhân uống trà sữa lạnh dẫn đến phù nề niêm mạc thực quản và hầu họng khiến tình trạng trào ngược dạ dày trở nên nghiêm trọng. Bệnh nhân uống trà sữa vào buổi chiều nên đến ban đêm hệ thần kinh hưng phấn nên sẽ rất khó ngủ".
Được biết, bà Trương ngủ trằn trọc nên đã sử dụng thuốc an thần, nhưng sau đó viên thuốc tắc nghẽn nơi cổ họng do niêm mạc hầu họng phù nề, cộng thêm dấu hiệu trào ngược dạ dày khiến bệnh nhân ho ra máu.
Bác sĩ Trần Chí Lăng khuyến cáo, trà sữa không khiến bạn cảm thấy ấm áp và nó có nguy cơ gây nên tình trạng trào ngược dạ dày. Những người có hệ dạ dày kém không nên uống trà sữa cho dù là chạy theo trào lưu "ly trà sữa đầu tiên" hay gì đi chăng nữa.
Trào ngược dạ dày thực quản hay Gastroesophageal Reflux Disease (GERD) là tình trạng dịch dạ dày (bao gồm thức ăn, men tiêu hóa, hơi...) trào ngược lên thực quản.
Dấu hiệu trào ngược dạ dày:
- Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua
Ợ hơi thường xuyên là dấu hiệu bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Ợ nóng là cảm giác nóng rát từ dạ dày (vùng thượng vị), dưới xương ức lan lên cổ.
Ợ chua thường đi kèm với ợ hơi và ợ nóng, để lại vị chua trong miệng.
Các triệu chứng trên thường xuất hiện khi ăn no, khi đầy bụng khó tiêu, nằm ngủ, nhất là vào ban đêm.
- Buồn nôn, nôn
Sự trào ngược của axit vào họng hoặc miệng, kích thích họng miệng gây cảm giác buồn nôn.
Tình trạng này có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào nhưng thường nặng nhất vào ban đêm do tư thế khi ngủ và khi hệ thần kinh phó giao cảm hoạt động mạnh mẽ hơn.
- Đau tức ngực thượng vị
Bạn có thể có cảm giác bị đè ép, thắt ở ngực, xuyên ra sau lưng và cánh tay.
Nguyên nhân do axit trào ngược lên kích thích vào các đầu mút sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản, cơ quan cảm ứng đau sẽ đưa ra tín hiệu như đau ngực.
Bạn cần tránh nhầm lẫn với các bệnh tim mạch và bệnh phổi khi có cùng triệu chứng.
- Khó nuốt
Trào ngược dạ dày thực quản với tần suất lớn gây phù nề, sưng tấy, làm thu hẹp đường kính thực quản. Vì thế người bệnh có cảm giác khó nuốt, vướng ở cổ.
- Khản giọng và ho
Do dây thanh quản bị tổn thương khi tiếp xúc với axit dạ dày. Người bệnh trào ngược dạ dày sẽ bị khản giọng do dây thanh phù nề, khó nói và lâu ngày thành ho do dịch viêm chảy xuống thanh phế quản.
- Miệng tiết nhiều nước bọt
Miệng tiết nhiều nước bọt là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể ở vùng miệng nhằm trung hòa bớt lượng axit trào lên.
Ngoài 6 dấu hiệu trào ngược dạ dày phổ biến trên, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khác như khó tiêu, đầy bụng, hen suyễn viêm phổi,...
Theo Tú Uyên (Pháp Luật & Bạn Đọc)