Những năm gần đây, thông tin "chảo chống dính gây ung thư" lan rộng khắp thế giới, nhiều người khi thấy đáy chảo chống dính bị xước, lộ những đường lốm đốm, họ luôn lo lắng lớp phủ có độc, ăn nó sẽ gây hại cho sức khỏe của bạn...
Tuy nhiên, sự thực như thế nào? Chảo chống dính có thực sự độc hại và gây ung thư?
Chảo chống dính có độc và gây ung thư?
Chảo chống dính đã gây ra nhiều tranh cãi, chủ yếu là do lớp phủ của nó. Nhưng lý do tại sao nó có thể "không dính" là vì teflon được sử dụng để lấp đầy những khoảng trống không bằng phẳng trên bề mặt của nồi nhằm tạo thành một "lớp màng" thực sự mịn.
Teflon là một loại polymer được điều chế bằng cách trùng hợp tetrafluoroethylene thành monome, có khả năng chịu nhiệt tốt, chịu lạnh, chịu axit, kháng kiềm, bền vững và hầu như không bị ăn mòn bởi bất kỳ chất nào nên nó còn được mệnh danh là "vua nhựa".
Vì teflon có nhãn mác như "polymer" và "plastic", người ta dễ nghĩ đến chất độc hại và chất gây ung thư, đây cũng là lý do quan trọng khiến nhiều người cho rằng "chảo chống dính có chất gây ung thư".
Trên thực tế, bản thân teflon không độc. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất teflon, một số nhà sản xuất vô đạo đức sẽ sử dụng chất hỗ trợ chế biến là PFOA (perfluorooctanoate) , có thể liên quan đến các bệnh như bệnh tuyến giáp, cholesterol cao, viêm loét đại tràng... thậm chí có nguy cơ gây ung thư.
Dù vậy hiện nay, PFOA đã bị hầu hết các quốc gia trên thế giới cấm. Vì vậy, chảo chống dính tráng teflon mà chúng ta mua ở các cửa hàng, nhãn hiệu uy tín thực sự rất an toàn.
Chảo chống dính bị mất lớp phủ, còn dùng được không?
Hầu hết các loại chảo chống dính sẽ không tránh khỏi việc lớp phủ bị bong tróc hoặc bị xước sau một thời gian dài, lúc này chúng có thể sử dụng được không?
Một số chuyên gia cho biết, trong điều kiện sử dụng bình thường, teflon có bản chất rất ổn định, dù con người có ăn nhầm một lượng nhỏ các hạt phủ thì chúng cũng sẽ được cơ thể đào thải ra ngoài nên sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn.
Tuy nhiên, sau khi lớp phủ của chảo chống dính bị rơi ra, nó lại thực sự có những nguy cơ nhất định đối với sức khỏe: một mặt, thức ăn dễ bám và bị cháy, không chỉ khó làm sạch mà còn dễ sinh ra nhiều chất độc hại chẳng hạn như hydrocacbon thơm đa vòng, chất này làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi và ung thư vòm họng.
Do đó, vì sức khỏe của gia đình, khi phát hiện lớp chống dính của dụng cụ nấu nướng nói chung trong nhà bị bong tróc khiến thức ăn bị cháy và nát nhão, tốt hơn hết bạn nên thay mới chúng. Thông thường, tuổi thọ của chảo chống dính là 1-2 năm, nhưng khi độ chống dính của nó biến mất, ngay cả khi lớp phủ không bị hỏng thì bạn cũng nên thay chảo kịp thời.
Ngoài ra, khi nấu ăn ở nhà, bạn cần cố gắng không làm xước nồi chảo bằng các vật cứng như xẻng, cọ xoong... và không rửa nồi bằng nước lạnh khi còn nóng bởi điều này có thể khiến lớp chống dính nhanh chóng bị xuống cấp, giảm khả năng chống dính và tuổi thọ sử dụng.
Dùng chảo chống dính, kiêng kỵ nhất là "cháy khô"
Cũng có ý kiến lo ngại rằng lớp phủ teflon của chảo chống dính sẽ bị phân hủy thành các chất độc hại ở nhiệt độ cao và gây ung thư sau khi cơ thể người hít phải. Thực ra, không cần quá lo lắng về điều này.
Teflon có độ bền nhiệt vượt trội, không bị nóng chảy ở nhiệt độ cao, có thể chịu được nhiệt độ cao 300 độ C trong thời gian ngắn, và có thể sử dụng trong thời gian dài ở dưới 260 độ C.
Trong nấu ăn hàng ngày, nhiệt độ mà nồi có thể đạt được thường chỉ khoảng 200 độ C. Thậm chí nếu bạn chiên đồ ăn ở nhiệt độ cao cũng chỉ ở mức dưới 250 độ C mà thôi.
Tuy nhiên, mặc dù teflon chịu được nhiệt độ cao nhưng khi nấu hãy lưu ý không nên đun nấu khi chảo quá khô ráo (không có dầu mỡ hay nước mà chỉ đun đồ khô). Việc "sấy khô" chảo như vậy trong 5 phút sẽ dẫn đến nhiệt độ có thể lên tới 800 độ C, xuất hiện phản ứng phân hủy khí độc perfluoroisobutylene gây hại cho sức khỏe.
Theo Golf (Pháp Luật & Bạn Đọc)