Câu chuyện chàng trai 18 tuổi ở Úc bị móng chân mọc ngược gây nhiễm trùng huyết, dẫn đến suy đa tạng, cuối cùng anh đã tử vong đã khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa.
Alex Braes, 18 tuổi, sống ở thành phố Broken Hill, bang New South Wales (Úc). Anh bị đau chân nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Broken Hill ở thành phố Broken Hill để kiểm tra.
Tuy nhiên, 2 lần đầu đến bệnh viện thì Braes đều được cho về nhà điều trị. Vào lần thứ ba, tức 2 ngày trước khi mất, anh lại một lần nữa đến Bệnh viện Broken Hill. Lúc này, chân của anh đang bị đau dữ dội.
Ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ anh bị đứt gân chân. Tuy nhiên, cha của Braes khẳng định gần đây con trai ông không hề chơi thể thao. Anh lại tiếp tục được trả về nhà.
Sau đó, gia đình cũng dự tính sẽ đưa anh Braes đến một bệnh viện khác ở bang South Australian (Úc). Tuy nhiên, điều này không được thực hiện do quy định ngăn cản việc chuyển viện giữa các tiểu bang.
Gia đình không còn cách nào khác là phải đưa Braes trở lại đến Bệnh viện Broken Hill. Đến lần thứ 4 này thì các bác sĩ mới phát hiện Braes bị nhiễm trùng móng chân.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng móng là móng chân mọc ngược, tình trạng mà móng mọc sai cách khiến đâm vào thịt. Sau nhiều giờ loay hoay tìm bệnh viện tiếp nhận, Braes cuối cùng cũng được chuyển đến Bệnh viện Hoàng gia Alfred ở thành phố Sydney (Úc). Tuy nhiên, anh đã tử vong chỉ sau 1 giờ đến đây.
Nguyên nhân gây tử vong được xác định là do móng chân mọc ngược gây nhiễm trùng nghiêm trọng. Tình trạng này đã đến nhiễm trùng huyết, dẫn đến suy đa tạng và tử vong. Tác nhân gây nhiễm trùng là liên cầu nhóm A.
Các nhà chức trách đã vào cuộc điều tra cái chết của Braes. Kết luận của nhân viên điều tra cho rằng Bệnh viện Broken Hill đã để xảy ra nhiều thiếu sót trong quá trình điều trị, trong đó có việc không nhận ra các dấu hiệu nghiêm trọng của bệnh nhân tại khoa cấp cứu. Vụ việc vẫn đang tiếp tục được xử lý.
Triệu chứng của móng chân mọc ngược
Ngón chân cái thường bị hội chứng này nhiều nhất, bị một bên hoặc cả 2 bên. Các triệu chứng khác gồm:
- Đau khi ấn vào ngón chân
- Viêm da vùng móng chân chọc vào
- Chảy dịch ở quanh ngón chân
- Da phát triển nhanh quanh móng
- Chảy máu
- Mủ trắng hoặc vàng xuất hiện quanh vùng móng quặp
Nguyên nhân móng chân mọc ngược
- Cắt móng chân không đúng: Cắt móng chân quá sâu hoặc không cắt tròn móng sẽ khuyến khích da phủ lên móng và móng chọc vào da
- Đi giày, tất chật: điều này sẽ tạo áp lực lên da xung quanh ngón chân, da có thể đâm thủng nếu nó bị ép vào móng chân
- Chân nhiều mồ hôi: Nếu da quanh ngón chân mềm, móng sẽ dễ dàng chọc thủng
- Bị chấn thương: ví dụ như nếu bị vấp chân, móng sẽ bị mọc quặp
- Hình dáng tự nhiên của móng: Những cạnh của móng vốn đã cong nên sẽ có xu hướng chọc vào vùng da xung quanh
- Nấm móng cũng có thể khiến móng chân dày và mọc bè ra.
Điều trị móng quặp
Theo hướng dẫn của Mayoclinic và Dịch vụ Y tế Anh NHS:
- Ngâm chân vào nước ấm 15-20 phút/ lần, thực hiện 3 - 4 lần/ngày. Ngâm chân sẽ giúp giảm sưng và giảm đau.
- Lấy sạch mủ bằng bông (trước khi lấy mủ nên thoa dầu ôliu để làm mềm da)
- Đặt 1 miếng bông hay chỉ nha khoa ở dưới ngón chân quặp. Sau đó mỗi lần ngâm, hãy thay miếng bông hay sợi chỉ nha khoa mới. Điều này sẽ giúp cho móng mọc hướng lên trên, không chọc vào da.
- Bôi kem kháng sinh: Bôi thuốc mỡ đặc trị vào vùng da bị sưng đau và băng lại.
- Chọn giày phù hợp: Cân nhắc mang giày hở ngón hay xăng-đan cho đến khi chân về bình thường.
- Dùng thuốc giảm đau. Các loại thuốc giảm đau không kê toa như acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil, Motrin IB) and naproxen sodium (Aleve) có thể giúp giảm tình trạng đau ở ngón chân.
Phẫu thuật sẽ là giải pháp cuối cùng và khi đó sẽ cắt toàn bộ hay một phần móng.
Khi nào đến gặp bác sĩ?
Gặp bác sĩ nếu móng chân quặp bắt đầu viêm, chảy máu hay chảy mủ vì đó là dấu hiệu của viêm nhiễm.
PN (Nguoiduatin.vn)