Một chàng trai trẻ tên là Cao Tuấn, 18 tuổi, vốn không hề uống rượu, hút thuốc lá, có đời sống lành mạnh nhưng lại được bác sĩ chẩn đoán đã mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn giữa. Mọi người đều bất ngờ với chẩn đoán này, ngay cả bác sĩ cũng cảm thấy vậy bởi tỉ lệ bệnh nhân trẻ như Cao Tuấn mắc ung thư phổi là vô cùng hiếm. Theo các bác sĩ, dù Cao Tuấn không uống rượu, hút thuốc nhưng vẫn còn nhiều nguyên nhân khác có thể khiến cậu ấy đối mặt với căn bệnh này.
Bác sĩ Lương Hiệu, phó Khoa lồng ngực của Bệnh viện thành phố Thanh Đảo, đang điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Cao Tuấn nhắc nhở mọi người không nên chủ quan cho rằng ung thư phổi chỉ có thể xuất hiện ở những người tuổi trung niên nghiện thuốc lá mà ngay cả những yếu tố dưới đây cũng có thể dẫn đến bệnh:
1. Hút thuốc lá thụ động
Dù không trực tiếp hút thuốc nhưng nếu thường xuyên hít phải khói thuốc cũng có thể khiến bạn chịu những tác hại đến phổi và có thể mắc bệnh ung thư phổi. Một khảo sát của Mỹ chỉ ra rằng những người sống chung với người nghiện thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi cao hơn từ 20-30%.
2. Tiếp xúc với không khí ô nhiễm
Theo WHO, trên thế giới mỗi năm có khoảng 223.000 ca tử vong vì ung thư phổi do ô nhiễm không khí. Ngoài ra nitrogen oxide, hay bụi có trong khói xe hơi, nhà máy, đốt rơm rạ, cháy rừng... cũng được coi là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về bụi phổi hay ung thư phổi.
Bên cạnh đó, khí Radon có trong lòng đất cũng là một trong nhiều nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi, khí này thoát ra từ các khe nứt trên mặt đất và gây ra bệnh.
3. Tiếp xúc với amiăng, bụi công nghiệp
Amiăng được sử dụng rộng rãi trong vật liệu xây dựng và nhiều ngành công nghiệp. Những người có nguy cơ phơi nhiễm amiăng cao nhất bao gồm: Công nhân trong mỏ amiăng, công nhân ngành công nghiệp ô tô, xưởng đóng tàu,công nhân nhà máy xi măng, họa sĩ, thợ mộc và thợ điện.
Thi thoảng tiếp xúc với amiăng, bụi công nghiệp thì không sao, nhưng nếu làm việc thời gian dài trong môi trường này thì rất dễ bị ung thư phổi.
4. Chất lượng giấc ngủ kém và tâm trạng không thoải mái
Khi chất lượng ngủ kém, tâm trạng mệt mỏi sẽ dẫn đến suy nhược thần kinh, sức đề kháng yếu, nguy cơ nhiễm khuẩn tương đối cao. Nếu để tình trạng này diễn ra lâu dài, cơ thể trở nên mệt mỏi và sẽ dễ dàng tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh ung thư, nguy cơ mắc ung thư rất lớn.
5. Khói bếp
Theo một nghiên cứu ở Anh, việc nấu ăn trên bếp có thông gió kém, hiệu quả đốt cháy thấp sẽ tương đương với việc hút 2 bao thuốc lá mỗi ngày, gây ra 1,6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm. Ngoài ra, trong khói của dầu ăn chứa rất nhiều chất độc hại, kích thích mắt và cổ họng khi bị hít vào phổi, gây ra ung thư.
Theo Đỗ Hiền (Helino)