Có một cuộc khảo sát trên Internet với chủ đều: "Sau khi đứa trẻ lớn lên, cha mẹ ghét điều gì nhất ở hành vi của con mình?". "Cãi lại" được bình chọn là điều khó chịu nhất với gần 80% số phiếu bầu. Rõ ràng, con "ăn miếng trả miếng" dường như đã trở thành nỗi khổ đau và bất lực của hầu hết các bậc cha mẹ.
Nhìn "cãi lại" từ một góc độ khác
Trong phim truyền hình Trung Quốc có tên Gia Đình Có Con, Lưu Tinh là đứa trẻ "thích ăn miếng trả miếng" trong mắt mẹ, luôn miệng nói: "Con không chịu! Con phản đối!". Khi mẹ nhờ giúp bóc vỏ đậu, Lưu Tinh nói: "Vỏ khô quá". Mẹ khen em gái học giỏi, Lưu Tinh lớn tiếng phản bác: "Điểm số chỉ là phụ, năng lực mới là chính".
Một đứa trẻ cãi lại không phải là điều hoàn toàn xấu. Lưu Tinh có tính cách bình tĩnh, logic, trong mọi cuộc tranh cãi đều phản bác một cách có lý lẽ. Cậu dám bày tỏ suy nghĩ của mình với mẹ, và không vì sự phủ nhận của mẹ mà tự ti về bản thân.
Một đứa trẻ dám cãi lại phải có thái độ và chính kiến riêng, biết sử dụng tốt kỹ năng đàm phán của mình. Chúng sẽ thích nghi với môi trường tốt hơn khi lớn lên và phát triển mạnh trong giao tiếp giữa các cá nhân và tương tác xã hội. Nói cách khác, những đứa trẻ thích cãi lại thường cởi mở và linh hoạt hơn, và sự phát triển trong tương lai của chúng chứa đầy những khả năng vô hạn.
Trong quá trình cãi lại, để người khác chấp nhận ý kiến của mình, trẻ sẽ nỗ lực để đạt được chúng thông qua ngôn ngữ. Điều này có thể kích thích sự tự nhận thức, khiến trẻ sẵn sàng rèn luyện các kỹ năng diễn đạt suy nghĩ và sử dụng ngôn ngữ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Cãi lại thực chất là một hành vi sẽ xuất hiện trong thời kỳ nổi loạn của hầu hết trẻ em, đó là dấu hiệu của sự thức tỉnh về ý thức bản thân. Sẽ có 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn đầu là 2-3 tuổi, trẻ bắt đầu bộc lộ ý thức chủ thể của mình thông qua ngôn ngữ. Trẻ trong giai đoạn này mới bắt đầu có nhận thức về bản thân, tuy chưa thể diễn đạt lưu loát nhưng thường thích lặp đi lặp lại những từ như "không", "đừng" với hy vọng được bố mẹ chú ý.
Giai đoạn thứ hai là 6-8 tuổi, dần hình thành ý thức tự lập mạnh mẽ. Từ thời thơ ấu đến tuổi thiếu niên, trẻ có tâm lý nổi loạn mạnh mẽ, và sẽ chống lại bằng cách cãi lại khi họ không hài lòng với mọi người, sự vật và sự việc.
Giai đoạn thứ hai là 13-17 tuổi. Ở tuổi dậy thì, sự theo đuổi tự lập và tự do mạnh mẽ hơn, trẻ ghét mọi sự gò bó.
Vì vậy, sự "nổi loạn", "ăn miếng trả miếng" mà người ta thường nói chẳng qua là tín hiệu do trẻ phát ra trên đường trưởng thành, nó là điểm khởi đầu trong quá trình theo đuổi độc lập, tự do của trẻ.
Khi nào trẻ cãi lại là hợp lý?
Biết nghe lời là biểu hiện của một đứa trẻ ngoan trong mắt nhiều bậc cha mẹ, còn một đứa trẻ hay cãi lại đương nhiên bị coi là "trẻ hư". Nhưng trên thực tế quan điểm này là không chính xác. Các chuyên gia nhi khoa chỉ ra rằng trẻ cãi lại có thể là để bộc lộ cảm xúc và thể hiện thái độ của mình.
Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy những đứa trẻ thích cãi lại, dám bày tỏ ý tưởng của mình bằng lời nói có thể giải quyết áp lực tiêu cực tốt hơn những đứa trẻ rụt rè khi lớn lên. Ý chí kiên định và kỹ năng giao tiếp cũng tốt hơn.
Vậy có nghĩa là những đứa trẻ nên được khuyến khích cãi lại? Dĩ nhiên là không. Một phương pháp giáo dục thực sự hiệu quả không thể tách rời thưởng phạt nghiêm minh. Đối mặt với những đứa trẻ cãi lại, cha mẹ nên phân tích kỹ lý do, hướng dẫn trẻ nói "không" một cách hợp lý.
Tư duy của trẻ còn non nớt, chưa thể giải quyết vấn đề một cách chính xác, đối với những hành vi xấu như thô lỗ, đe dọa, hay phàn nàn, cha mẹ cần phải ngăn chặn và trừng phạt kịp thời.
1. Chủ động tìm hiểu nhu cầu thực sự của trẻ
Khi trẻ lớn lên, khả năng tự nhận thức phát triển, hầu hết trẻ sẽ bảo vệ ý kiến của mình một cách mạnh mẽ. Lúc này, cha mẹ đừng vội chỉ trích, buộc tội con mà nên hạ mình xuống, học cách nhìn nhận vấn đề từ góc độ của trẻ, bình tĩnh và kiên nhẫn tìm hiểu những suy nghĩ bên trong và nhu cầu thực sự của trẻ. Chỉ bằng cách tìm ra nguyên nhân gốc rễ, chúng ta mới có thể giải quyết một cách hiệu quả.
2. Giải quyết cảm xúc của trẻ
Những cảm xúc tiêu cực nếu không được giải tỏa kịp thời rất dễ ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên học cách chấp nhận và bao dung với con, giữ tâm trạng thoải mái khi con bùng nổ cảm xúc, để con trút bầu tâm sự và khuyến khích con bày tỏ ý kiến.
3. Khuyến khích tranh luận bình tĩnh và bình đẳng
Những đứa trẻ thường có thể duy trì sự tự tin và bình tĩnh khi tranh luận với người khác sẽ có giao tiếp giữa các cá nhân hiệu quả hơn khi chúng lớn lên.
Khi tranh luận, trẻ không chỉ nên bày tỏ quan điểm rõ ràng mà còn phải thuyết phục người khác chấp nhận ý kiến của mình. Điều này có tác dụng rất lớn trong việc trau dồi tư duy logic và khả năng diễn đạt của trẻ, càng có lợi cho việc xây dựng phẩm chất tâm lý vững vàng.
4. Giữ gìn giới luật
Dạy dỗ bằng lời dạy và nêu gương luôn là cách giáo dục hiệu quả nhất. Khi cả hai bên đều có lý, cha mẹ nên nêu gương tốt, hướng dẫn từ quan điểm của trẻ, dạy chúng biết lắng nghe và tôn trọng. Điểm quan trọng nhất trong giáo dục là trước tiên bạn phải làm những gì bạn muốn người khác làm.
Cha mẹ không phải lúc nào cũng đúng và con cái không phải lúc nào cũng sai.
Theo Hiểu Đan (Phụ Nữ Việt Nam)