Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) xác nhận, hai nạn nhân của vụ bỏng cồn đang được điều trị tại đây.
Anh T.V.N (32 tuổi, ngụ tại Kiên Giang) được bệnh viện tuyến tỉnh chuyển đến ngày 13/2 trong tình trạng bỏng 70%. Chị T.K.H. (31 tuổi, vợ anh N.) nhập viện với diện tích bỏng 27% vùng cổ, thân và tứ chi.
Theo lời nạn nhân, tối 12/2, con gái muốn ăn khô mực nên anh N. lấy chai cồn sát khuẩn đổ vào chảo và nướng.
Vô tình, anh N. quơ tay khiến chai cồn đổ vào ngọn lửa và gây nổ. Hai cha con bị bỏng nặng. Người vợ nghe tiếng hét chạy vào cứu con cũng bị bỏng theo. Hàng xóm phát hiện sự việc và đưa 3 người đi cấp cứu.
Tại bệnh viện địa phương, hai vợ chồng anh N. được chăm sóc 1 ngày rồi chuyển tuyến lên TP.HCM. Bé gái không qua khỏi sau 4 ngày điều trị.
Tại Khoa Bỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, hai bệnh nhân được bù dịch, chống sốc, giảm đau, thay băng, dùng kháng sinh, hỗ trợ thở oxy.
Ngày 22/2, chị H. được mổ cắt lọc hoại tử và sẽ được ghép da nếu diễn tiến thuận lợi. Anh N. hiện qua cơn nguy kịch nhưng vẫn còn rất nặng sau 1 tuần điều trị tích cực. Dự kiến, hai bệnh nhân còn phải điều trị khoảng một tháng nữa.
Viện phí của vợ chồng anh N. khoảng 2 triệu đồng/ngày dù đã có bảo hiểm y tế.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã tiếp nhận nhiều trẻ bỏng nặng vì xịt chai cồn sát khuẩn vào đống lửa. Trong đó, có trường hợp không qua khỏi sau nhiều tháng điều trị vì vết thương quá nặng.
Tương tự, một bệnh nhi sinh năm 2014 nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 do bỏng cồn. Tai nạn xảy ra khi bé cầm chai cồn chạy nhảy qua khu bếp đang nấu ăn, lửa bén vào quần áo. Em bị cháy khoảng 1 phút trước khi được người nhà dội nước cứu.
Theo Linh Giao (VietNamNet)