Sau ca sinh mổ thành công, cô được đưa ra khỏi khu vực phẫu thuật. Người nhà mỗi sản phụ đã chờ sẵn để cùng y tá đưa sản phụ về phòng điều trị sau sinh. Nhưng riêng cô chả có ai chạy tới, y tá phải gọi mấy câu mới thấy chồng cô lên tiếng rồi chậm rì rì bước đến.
Cô nhìn chồng, nước mắt rơm rớm. Từ khi bước lên bàn phẫu thuật, tới giờ phút này, những đau đớn và sợ hãi cô đều cố kìm nén trong lòng, giờ nhìn thấy chồng mọi cảm xúc như muốn vỡ òa. Nước mắt cô chảy dài nhìn chồng đầy tủi thân. Cô khao khát một cái nắm tay thật chặt, một lời động viên, an ủi, một ánh mắt trìu mến từ anh.
Nhưng anh chả thèm quan tâm đến những giọt nước mắt của cô. Anh liếc cô rồi buông lời đầy cáu kỉnh: "Sao làm gì trong đấy mà lâu thế? Con đưa ra từ đời nào mà giờ này mới ra? Bà ngoại dưới phòng bệnh với con rồi, chả còn ai khác cứ bắt người ta phải chờ ở đây. Nhà cửa để đấy chả ai trông nom kia kìa! Có mỗi mẹ ở nhà thôi".
Cô khựng người. Chị y tá bên cạnh cũng bất ngờ với thái độ của chồng cô. Chị ấy nghiêm giọng giải thích với anh đây là quy trình của cuộc phẫu thuật, sản phụ phải ở lại để theo dõi. Lúc ấy chồng cô mới thôi, song mặt mũi vẫn đầy vẻ khó chịu.
Về tới phòng sau sinh, chồng cô không một câu hỏi han vợ, chào mẹ vợ một câu rồi đùng đùng khoác áo định đi về. "Con có gấp lắm không, ở lại phụ mẹ chứ mỗi mình mẹ không thể chăm được cả 2 mẹ con nó đâu", mẹ cô nhẹ nhàng lên tiếng. Nhìn các sản phụ khác bao nhiêu người vây quanh, nước mắt cô lại không kìm được rơi lã chã.
"Con bận lắm, nhờ bà trông con bé hộ vậy. Còn mẹ nó cần gì người chăm. Thế giới này đầy người đẻ, phải mỗi mình nó đẻ đâu mà làm như sắp chết đến nơi", anh ta nhấm nhẳng một câu rồi quay sang cô: "Mẹ tôi ngày xưa còn tự đẻ ở nhà với bà đỡ vườn, đẻ hôm trước hôm sau đã dậy cơm nước, làm việc như thường. Giờ các cô được chiều quá đâm ra lắm chuyện, chửa đẻ mà làm như chuyện tày đình. Tôi phải về trông coi nhà cửa và cơm nước cho mẹ, mẹ đi lễ chùa với hội các cụ về muộn lại không có cơm ăn. Nhanh mà xuất viện về đi, nhà lắm việc lắm, đừng có ở lì cả tuần trong này".
Cô chết lặng. Mẹ cô cũng hóa đá. Những người nhà và sản phụ khác trong phòng bệnh đều câm nín trước lời tuyên bố quá hùng hồn của chồng cô. Có lẽ họ không thể ngờ trên đời này có người chồng nào có thể thốt ra lời lẽ như thế với vợ. Khó tin ư, song đó lại là sự thật đấy, và đau đớn thay cô là người trong cuộc!
Đúng là ngày xưa mẹ chồng cô sinh đẻ như thế. Nhưng khi ấy tình trạng khó khăn chung, mẹ đẻ cô cũng tương tự chứ khác gì. Hiện giờ hoàn cảnh đã khác một trời một vực khi trước, so sánh như anh ta thật quá khập khiễng! Chồng người khác muốn vợ được sướng, được vui, còn anh ta muốn vợ phải khổ giống phụ nữ của 50 năm trước! Vô tâm và tàn nhẫn tới cực độ.
Giá như để anh ta chửa đẻ được nhỉ, xem anh ta còn nói việc ấy đơn giản nữa hay không! Và nếu cô cũng để anh ta lại trong việc không ngó ngàng, trong khi bản thân về lo cơm nước cho mẹ ở nhà, anh ta sẽ thế nào? Mẹ anh ta quan trọng, đó là tất nhiên, nhưng người vợ vượt qua cửa tử để sinh đứa con của 2 vợ chồng, há lại không quan trọng bằng một bữa cơm cho mẹ anh ta? Những câu nói này của chồng, cô sẽ nhớ đến chết không thể quên.
Cô không còn nước mắt để khóc nữa. Mẹ cô hoàn hồn, vội nắm tay con gái: "Thôi đừng nghĩ ngợi gì hết, trước mắt cứ nghỉ ngơi cho khỏe lại, rồi chăm con cho tốt đã. Để mẹ gọi chị mày xem thu xếp công việc vào với mày vài tối". Cô nhẹ gật đầu, nhắm mắt tránh ánh nhìn thương hại của mọi người trong phòng.
Chồng không thương thì cô càng phải thương lấy thân mình, mới có thể chăm lo cho con. Người chồng như thế, thiết nghĩ chả thể hi vọng hay trông đợi gì. Cuộc hôn nhân này được đến ngày nào thì hay ngày đó thôi…
Theo Giang Phạm (Helino)