Cậu bé Cameron Jean-Pierre, 11 tuổi người Mỹ không may qua đời do dị ứng thực phẩm. Cụ thể, vào dịp cuối năm 2018 vừa qua, Cameron đến New York thăm bà. Đúng lúc này, trong lò đang nướng cá tuyết, ngửi thấy mùi cá khi vừa bước vào nhà, Cameron bắt đầu có triệu chứng khò khè, khó thở và kéo dài suốt 1 tuần sau đó.
Biết con trai có tiền sử dị ứng hải sản, Steven (bố của Cameron) đã đưa con đến trung tâm hen suyễn thăm khám, tuy nhiên lần này dùng khí dung cũng không hiệu quả.
Được vài ngày, Cameron bất chợt nói: “Con yêu bố, con thấy hình như con đang chết đi”, ngay lập tức, Steven gọi cấp cứu 911, tuy nhiên mọi thứ đã quá trễ, cậu bé tử vong trước khi đến viện đúng vào ngày đầu tiên của năm 2019.
Lãnh đạo bệnh viện nơi Cameron điều trị cho biết, nguyên nhân khiến cậu bé tử vong vẫn chưa được xác định, song Steven khẳng định, con trai anh bị dị ứng với mùi cá.
Tạ Mỹ có gần 6 triệu trẻ em bị dị ứng thực phẩm. Theo FDA, có hơn 160 loại thực phẩm có thể gây dị ứng với con người, trong đó cá là một trong 8 loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất. 7 nhóm thực phẩm khác bao gồm: Sữa, trứng, hải sản họ tôm cua, các loại hạt cây, đậu phộng, đậu nành và lúa mì.
Biến chứng tại chỗ phổ biến nhất của dị ứng là gây tắc nghẽn đường thở. Nghiêm trọng nhất, dị ứng có thể gây ra các cơn sốc phản vệ, đe dọa tính mạng.
Dấu hiệu của cơ thể khi bị dị ứng bao gồm: Phát ban, ngứa hoặc nổi mẩn trên da, ho, thở khò khè, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, đau nhói hoặc ngứa trong khoang miệng, sưng tấy mặt, lưỡi, môi, nôn mửa hoặc tiêu chảy, chuột rút bất thường, ngất…
Câu chuyện buồn của Cameron là ví dụ mới nhất về những hậu quả nguy hiểm của dị ứng mà nhiều người thường coi nhẹ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra, đối với những người dị ứng thực phẩm, biện pháp phòng ngừa không phải chỉ tránh ăn sản phẩm mà hít mùi cũng có thể gây ra các phản ứng nặng nề.
Theo lẽ thường, bạn có thể cho rằng một người bị dị ứng cá cần tránh ăn cá trực tiếp. Tuy nhiên, theo trung tâm nghiên cứu và giáo dục dị ứng thực phẩm FARE, họ cũng cần tránh nhiễm khuẩn chéo trong khi nấu ăn hoặc hít phải khói khi chế biến cá.
Bác sĩ Adela Taylor, Truởng khoa Dị ứng, Trung tâm khám chữa bệnh Eau Claire, Wiscosin, Mỹ cho biết, ở bất cứ nơi nào cá đang được chế biến đều có thể khiến bạn gặp nguy hiểm, vì protein trong cá có thể có trong hơi nước.
GS Anna Nowak-Wegrzyn, Khoa bệnh Icahn, BV Mount Sinai, New York nhấn mạnh, phản ứng của cơ thể không đơn thuần chỉ xảy ra khi ngửi trực tiếp chất dị ứng, mà còn có thể do hít phải các phân tử của thực phẩm khi đun nấu. Hít phải các protein gây dị ứng có thể dẫn tới hắt hơi, ho, khò khè, sổ mũi và đỏ mắt.
“Đã có trường hợp bệnh nhân dị ứng sữa có dấu hiệu dị ứng chỉ vì bước vào một quán cà phê”, GS Anna dẫn chứng.
Với trường hợp của Cameron, BS dị ứng David Stukus, tại BV Nhi khoa Hoa Kỳ cho rằng không loại trừ nguyên nhân do sốc phản vệ, trong đó bệnh hen suyễn của cậu bé đã làm trầm trọng thêm các phản ứng và dẫn đến tử vong.
Nếu bạn hoặc người thân bị dị ứng thực phẩm, cần được tư vấn bởi bác sĩ về cách tránh vô tình đưa chất gây dị ứng vào người, bất kể qua đường tiêu hóa, hô hấp hay tiếp xúc.
Khi xảy ra sốc phản vệ, thuốc dị ứng thông thường như Benadryl hầu như không có tác dụng. Lúc này cần sử dụng dụng cụ tiêm tự động Epinephrine và đưa bệnh nhân đến khoa cấp cứu gần nhất.
Theo Minh Anh (VietNamNet)