Về mặt lý thuyết, cúm A là bệnh lý thường xuất hiện vào mùa đông, khi thời tiết lạnh. Tuy nhiên, thực tế năm nay đang cho thấy số lượng người mắc cúm A tăng lên sớm hơn, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền. Đáng nói, một số trường hợp còn diễn biến nặng, nguy kịch.
Trao đổi với Zing, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết mới đây đã tiếp nhận cùng lúc 20 trường hợp là công nhân tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh, có độ tuổi từ 20 đến 30, tới khám do có triệu chứng cúm giống nhau.
“Tất cả bệnh nhân này đều có biểu hiện sốt, đau họng, hắt hơi. Sau khi test nhanh, hầu hết đều cho kết quả dương tính với cúm A”, bác sĩ này nói.
Qua khai thác thông tin, những người này cho hay trong khu công nghiệp nơi họ đang làm việc có rất nhiều trường hợp xuất hiện triệu chứng tương tự. Theo ước lượng của bệnh nhân, con số phải lên tới hàng trăm người.
Một ngày sau đó, bác sĩ Huyền tiếp tục thăm khám cho hơn 10 trường hợp trẻ em là người thân của nhóm công nhân này, cũng với các biểu hiện của cúm A.
Theo Trưởng khoa Khám bệnh, khoảng 2 tuần gần đây, số lượng bệnh nhân cúm A tới khám tại bệnh viện tăng cao với tổng cộng gần 100 trường hợp. Trong số này, bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp diễn biến nặng.
Cụ thể, đó là một bệnh nhân nam, 65 tuổi, được xác định mắc cúm A sau khi lây từ người nhà. Người đàn ông này sau đó diễn biến nặng, xuất hiện tình trạng viêm phổi và đang phải theo dõi điều trị.
Tương tự, bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng thông tin vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 78 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội, mắc cúm A diễn biến nặng.
Bác sĩ này cho hay: “Bệnh nhân nhập viện trong diễn biến bệnh ở ngày thứ 3. Bà ho nhiều, đờm trắng, sốt 39 độ C, nôn nhiều, khó thở nhẹ và mệt mỏi. Bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi nặng do cúm A”.
Sau một ngày điều trị, bệnh nhân khó thở tăng, thở gắng sức, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) giảm còn 83%. Các bác sĩ buộc phải đặt ống nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy.
Thông tin thêm, tiến sĩ Văn Đình Tráng, phụ trách khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay trong số 100 mẫu bệnh phẩm được đưa tới khoa trong thời gian qua, có tới 60% dương tính với cúm A.
Theo VnExpress dẫn lời đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết, qua giám sát tại các bệnh viện, cơ quan này nhận thấy ca mắc cúm A tăng nhanh nhưng chủ yếu triệu chứng nhẹ. CDC vẫn tiếp tục theo dõi và sẽ có cảnh báo với cộng đồng.
Các bác sĩ cho biết năm nay bệnh cúm A bùng phát trái mùa, đến sớm hơn so với mọi năm. Theo đó, cúm A thường rất ít xuất hiện trong mùa nóng, ca bệnh lác đác không đáng kể. Lý do là virus cúm không phát triển và gây bệnh trong thời tiết khô, nóng, mà thường sinh sôi mạnh vào mùa đông xuân khi tiết trời lạnh, nồm ẩm. Riêng năm 2022, nhiều chuyên gia nhận định do thời tiết biến đổi bất thường, đến tháng 5 vẫn còn các đợt không khí lạnh, có thể là lý do khiến virus cúm A sinh sôi. Thực trạng này có thể gây nguy cơ dịch chồng dịch, vì các ca sốt xuất huyết và bệnh nhân Covid-19 cũng tăng lên vào cùng thời điểm.
Cúm A thường diễn biến diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, do được chẩn đoán và điều trị sớm, tuy nhiên có thể diễn biến nặng trên nhóm người cao tuổi, nhiều bệnh nền như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, tim mạch, phụ nữ mang thai.
Chuyên gia khuyến cáo mọi người nên chủ động phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng, sát khuẩn tay, tiêm vaccine cúm hàng năm. Trong đó, biện pháp tiêm vaccine được nhấn mạnh với nhóm người bị giảm miễn dịch, có bệnh nền do làm giảm mức độ trở nặng.
Những người có biểu hiện bệnh như hắt hơi, chảy nước mũi cấp tính, sốt, đau họng, mệt, đau đầu, ớn lạnh, đau mỏi toàn thân nên hạn chế tiếp xúc với người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Bệnh lây dễ, khó phòng ngừa, đặc biệt trên các không gian kín như phương tiện công cộng, nhà máy, xí nghiệp, trường học. Bên cạnh đó, mọi người nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, tránh biến chứng.
Liên quan bệnh lý này, bác sĩ Trần Văn Bắc nhận mạnh trên Zing: “Bệnh cúm A rất dễ lây nhưng khó phòng ngừa, nhất là trong quá trình người dân di chuyển bằng các phương tiện công cộng, làm việc trong môi trường kín, tập trung đông người như nhà máy, xí nghiệp, trường học...”.
Từ đây, bác sĩ Bắc khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng cúm A sớm, khi dịch bệnh năm nay đến sớm hơn bình thường. Việc làm này giúp giảm bớt mức độ nặng của bệnh.
“Hàng năm, chúng ta hay tiêm vaccine phòng cúm trước mùa đông. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh hoành hành ngay từ mùa hè. Do đó, mọi người nên tiêm vaccine sớm và chủ động tiêm định kỳ hàng năm. Miễn dịch của chúng ta thay đổi theo năm, vaccine cũng được cập nhật theo các biến chủng của cúm”, ông nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng lưu ý thêm nhóm có bệnh về phổi như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, tim mạch,... cũng cần chủ động tiêm chủng vaccine do có nguy cơ trở nặng cao.
Để chủ động phòng bệnh cúm mùa, mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
- Tiêm vaccine cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
PN (Nguoiduatin.vn)