Tối 18/8, giới điện ảnh và dư luận vô cùng sốc trước thông tin nữ diễn viên từng gây dấu ấn trong bộ phim truyền hình "Hương phù sa" - Mai Phương (sinh năm 1985) mắc căn bệnh ung thư phổi thời kỳ cuối khi mới 33 tuổi.
Trao đổi về sự việc này, một nguồn tin tại Bệnh viện (BV) Quân y 175 xác nhận nữ diễn viên đang điều trị tại đây. Tuy nhiên vẫn phải chờ kết quả xét nghiệm để biết chính xác bệnh đang tiến triển thế nào.
Căn bệnh di căn trước khi phát hiện trên X-quang
Thông tin trên thêm một lần nữa cảnh báo về sự nguy hiểm của bệnh ung thư phổi, căn bệnh có số người mắc đứng hàng thứ 2 ở cả nam và nữ, chỉ sau ung thư gan.
BS Lê Nguyễn Khánh Duy cho biết, ung thư phổi là ung thư hay gặp nhất trên toàn cầu, khó phát hiện sớm, kết quả điều trị cũng rất thấp, gây tử vong nhiều nhất trong các loại ung thư.
Bắt nguồn từ những thay đổi đầu tiên trong gen (DNA) của các tế bào phổi có thể làm các tế bào phát triển nhanh hơn. Tại thời điểm này các thay đổi không tạo thành khối u, không thể phát hiện được trên X-quang và không gây ra triệu chứng.
Chỉ đến khi các tế bào bất thường có được những thay đổi gen tiếp tục, các mạch máu xung quanh vị trí ung thư sinh sôi mạnh mẽ để nuôi dưỡng các tế bào ung thư và hình thành một khối u đủ lớn thì các xét nghiệm hình ảnh mới nhận ra.
Tuy nhiên theo BS, các tế bào từ các ung thư có thể thoát khỏi khối u ban đầu và lan tràn, di căn tới các bộ phận khác của cơ thể. Với ung thư phổi, nó có xu hướng di căn ngay cả trước khi có thể được phát hiện trên phim X-quang.
Có 2 loại chính của ung thư phổi là Ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm 10%, khi phát hiện đã cho xâm lấn và di căn xa) và Ung thư phổi không tế bào nhỏ (chiếm 90%, phát triển qua từng giai đoạn).
92% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có thể sống trên 5 năm nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, khối u ung thư kích thước dưới 1 cm. Nếu đã di căn xa đến gan hoặc tuyến thượng thận thì tỉ lệ này là vô cùng thấp..
Nguy hiểm của ung thư phổi là việc khó chẩn đoán. Ở giai đoạn sớm bệnh có những triệu chứng rất chung chung, khiến người bệnh dễ nhầm lẫn với những bệnh lý về đường hô hấp khác.
Tại Việt Nam, chỉ 10-20% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm bệnh ung thư phổi.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi
Theo TS.BS Bùi Chí Viết, BV Ung bướu TP HCM, có nhiều yếu tố gây nguy cơ bệnh ung thư phổi.
Giới tính: Ung thư phổi chiếm ưu thế ở nam giới 50-75 tuổi. Tại các nước phương Tây, những năm gần đây tỉ lệ ung thư phổi có chiều hướng gia tăng ở phụ nữ.
Địa lý: Các nước châu Phi có tỷ lệ mắc ung thư phổi thấp hơn 5%. Tỷ lệ này khoảng 5-10% ở châu Á và Nam Mỹ.
Hút thuốc: 80% bệnh nhân ung thư phổi là những người đã và đang hút thuốc lá hoặc tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Tỷ lệ mắc ung thư phổi của người hút thuốc lá so với những người không hút cao hơn gấp 10 lần. Tuy nhiên, ngay cả những người không hút thuốc cũng có nguy cơ bị bệnh.
Khoảng 13% người nghiện thuốc lá kéo dài (30-40 năm) có nguy cơ ung thư phổi.
Ngoài ra, một số người làm nghề như khai khoáng, tiếp xúc trực tiếp với các chất phóng xạ, khí radon cũng có nguy cơ mắc bệnh. Vấn đề ô nhiễm không khí cũng đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho ung thư phổi hoành hành.
Ung thư phổi cũng xuất hiện ở người mang các bệnh lý như lao, nhồi máu phổi, viêm phổi... Nhiều chuyên gia cho rằng sự xơ hóa làm tắc nghẽn mạch bạch huyết gây tích tụ các chất sinh ung thư.
Ngoài ra, bệnh có thể liên quan đến yếu tố đột biến gen.
Tầm soát ung thư phổi thế nào?
Các BS cho biết, ung thư trong nhu mô phổi không gây đau đớn, do đó khi có các triệu chứng điển hình xuất hiện là bệnh thường đã ở giai đoạn nặng.
Triệu chứng thường gặp là ho nhiều, ho ra máu, khó thở (triệu chứng hô hấp). Bệnh nhân thường sụt cân, sốt, mệt mỏi, chán ăn. Một khi khối u phổi xâm lấn vào các cấu trúc khác, bệnh nhân sẽ thấy đau ngực, thậm chí đau xương, khó nuốt, phù mặt cổ.
Có ba loại xét nghiệm thường dùng tầm soát ung thư phổi là chụp Xquang phổi, xét nghiệm tìm tế bào ung thư từ chất đàm, chụp CT Scan. Tuy nhiên việc này cũng chỉ nhắm vào các đối tượng có nguy cơ cao, tức có thể ung thư đã phát triển lâu.
Do đó, cách tốt nhất là phòng ngừa bệnh ung thư phổi, bằng việc không hút thuốc, bỏ hút thuốc ngay và tránh hít phải khói thuốc của người khác.
Ngoài ra, bạn cần tập thể dục thường xuyên, có chế độ ăn giàu rau củ quả và giữ mình khỏi các tác động từ ô nhiễm môi trường, các chất phóng xạ, kim loại nặng.
Theo Thiên Kim (Thời Đại)