Tôi năm nay 38 tuổi, bị rối loạn đại tiện khoảng một năm nay, không sụt cân, thi thoảng đại tiện ra máu. Khi đi khám, bác sĩ nội soi đại tràng phát hiện u sùi trực tràng, theo dõi ung thư. Nếu tôi đi kiểm tra sớm sẽ phát hiện bệnh từ khi còn là polyp. Xin bác sĩ cho biết ung thư đại trực tràng có nguy hiểm không? Người thân của tôi có cần đi kiểm tra không? Nguyễn Hoàng Long (Đà Nẵng)
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Công Khánh, Phó trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tư vấn:
Trên toàn thế giới, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 3 trong các loại ung thư thường gặp ở cả hai giới. Căn bệnh này cũng là nguyên nhân gây tử vong liên quan đến ung thư đứng hàng thứ hai ở cả hai giới.
Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ tư ở nam giới và thứ hai ở nữ giới về tỷ lệ mới mắc và nguyên nhân tử vong do ung thư. Dự đoán đến năm 2025, căn bệnh này sẽ trở thành ung thư phổ biến thứ hai tại Việt Nam tính chung cho cả hai giới.
Ung thư đại trực tràng thường gặp ở người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy ung thư đại trực tràng đang có xu hướng trẻ hóa với tỷ lệ bệnh nhân dưới 40 tuổi ngày càng tăng.
Do đó, chúng ta cần đi tầm soát ung thư đại trực tràng từ 40 tuổi đối với những người thuộc nhóm nguy cơ trung bình (không có triệu chứng, không có tiền căn gia đình ung thư đại trực tràng) hay sớm hơn 5-10 năm nếu thuộc nhóm nguy cơ cao (có tiền căn gia đình bị ung thư đại trực tràng, đa polyp gia đình, viêm ruột mạn tính,…).
Ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, ung thư đại trực tràng có thể có một số dấu hiệu như sau:
- Thay đổi thói quen đại tiện, nếu trước đây, bạn đi đại tiện trong thời gian cố định buổi sáng hay buổi tối nhưng hiện tại bạn có thể đi đại tiện bất kể lúc nào trong ngày.
- Thay đổi số lần đại tiện, có thể lên tới 3, 4 lần/ngày hoặc 3, 4 ngày không đi đại tiện.
- Thay đổi cấu trúc khuôn phân, có thể phân lỏng không thành khuôn, táo bón, phân nhỏ dẹt.
- Đi ngoài phân có máu.
- Người bệnh gầy, sụt cân.
- Đau quặn bụng từng cơn nhất là trước khi bạn muốn đi đại tiện. Giảm đau bụng sau khi đi đại tiện.
Với bệnh nhân ung thư đại trực tràng, tiên lượng sống tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm việc điều trị càng hiệu quả. Vì vậy, tầm soát ung thư đại trực tràng đóng vai trò rất quan trọng.
Trường hợp của bạn ung thư tiến triển từ polyp ống tiêu hóa. Đây là những tổn thương nhô cao trên bề mặt niêm mạc ống tiêu hóa. Tình trạng này thường không có triệu chứng. Một số trường hợp có biểu hiện như đau bụng, thay đổi thói quen đại tiện như táo bón, táo bón xen kẻ tiêu chảy, thay đổi số lần đại tiện hàng ngày, đại tiện ra máu, phân đen.
Polyp đại trực tràng không điều trị kịp thời sẽ tăng dần kích thước theo thời gian, từ polyp lành tính chuyển thành ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, polyp có thể gây ra các biến chứng như chảy máu khiến người bệnh bị thiếu máu mạn tính và tắc ruột do lồng ruột.
Các phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng hiện nay thường được sử dụng bao gồm: Tìm máu ẩn trong phân; hóa miễn dịch (FIT); DNA kết hợp hóa miễn dịch; nội soi đại tràng ảo, nội soi đại tràng chậu hông, nội soi đại tràng.
Trong đó, nội soi đại trực tràng là “tiêu chuẩn vàng” trong tầm soát ung thư đại trực tràng. Qua nội soi, bác sĩ có thể phát hiện polyp và ung thư đại trực tràng. Nội soi đại tràng cắt polyp là phương pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa ung thư, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đại trực tràng.
Với những trường hợp có tiền sử gia đình đình có người mắc polyp đại trực tràng hay ung thư đại trực tràng cần đến khám tại các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và tầm soát sớm.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/q-a-6-dau-hieu-ung-thu-dai-truc-trang-loai-benh-ngay-cang-tre-hoa-2111711.html