Mẹ chồng tôi bị ung thư gan đã qua đời 3 năm trước. Gần đây, chồng và em chồng tôi đều phát hiện bị viêm gan B đã chuyển sang giai đoạn mạn tính. Xin bác sĩ tư vấn cả gia đình tôi cần sàng lọc ung thư gan như thế nào? (Nguyễn Thị Hà - Gò Vấp, TP.HCM)
PGS-TS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời:
Việt Nam nằm trong các quốc gia có tỷ lệ mắc viêm gan virus B và C rất cao, nguy cơ gây ung thư gan rất lớn. Vì vậy, việc quan tâm phòng tránh và chẩn đoán sớm ung thư gan rất quan trọng.
Những người có nguy cơ mắc ung thư gan cần ưu tiên sàng lọc bệnh cụ thể là:
Thứ nhất, người có bệnh gan mạn tính.
Thứ hai, người bị viêm gan virus B. Đặc biệt, nam giới nhiễm viêm gan virus nguy cơ ung thư gan rất lớn.
Người trên 40 tuổi, vì thời điểm này virus viêm gan đã tích đủ gây tổn thương trên gan. Những người trong gia đình có người thân mắc ung thư gan, người có tải lượng virus lớn hơn 2.000 IU/ml. Ngoài ra, những người tiêm chích ma túy có thể lây nhiễm nhiều virus như viêm gan C, HIV.
Thứ ba, người bị viêm gan virus C, bệnh chuyển sang giai đoạn xơ gan. Khi bị viêm gan virus C, bạn cần chữa càng sớm càng tốt để hạn chế xơ gan.
Thứ tư, bệnh nhân bị xơ gan. Hiện nay, người dân ăn uống không khoa học, uống nhiều rượu có thể dẫn tới xơ gan đều là nguy cơ gây ra ung thư gan trong tương lai.
Thứ năm, gan nhiễm mỡ. Chế độ ăn quá nhiều năng lượng, giàu chất béo, đường dẫn tới thừa cân béo phì, gan nhiễm mỡ. Đặc biệt, tỷ lệ gan nhiễm mỡ ở người trẻ thậm chí trẻ em đang rất báo động. Đây cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Thứ sáu, người hay ăn các loại ngũ cốc mốc như lạc, gạo, đậu dễ gia tăng nguy cơ mắc ung thư gan. Bởi vì, chất độc Aflatoxin có trong các loại thực phẩm mốc này ảnh hưởng tới tế bào gan.
Ung thư gan thường phát hiện muộn, bệnh nhân đến khám bác sĩ không thể can thiệp được. Nguyên nhân, ung thư gan có dấu hiệu mờ nhạt. Khi bệnh nhân đau tức hạ sườn, ăn uống không ngon, sụt cân… lúc này khối u đã phát triển lớn.
Chính vì vậy, với những nhóm người trên, chúng ta cần theo dõi bệnh định kỳ. Bác sĩ khuyến cáo 6 tháng siêu âm bụng, thử máu xét nghiệm chỉ số AFP để tầm soát sớm một lần. Khi siêu âm ổ bụng, bác sĩ thấy có khối bất thường ở gan sẽ làm các biện pháp chuyên sâu hơn để tìm ra được khối u phát hiện sớm từ khi bệnh mới hình thành, có biện pháp điều trị hiệu quả.
AFP là protein do tế bào ung thư gan sản xuất. Ngoài ra, AFP có trong ung thư tế bào mầm, giai đoạn viêm gan nặng và trong thai kỳ (cơ thể thai nhi tiết ra). AFP < 10 ng/ml. Nếu chỉ số này tăng lên 200 - 400 ng/ml, bệnh nhân sẽ được chỉ định theo dõi ung thư gan.
Nếu phát hiện sớm, khối u mới 1 - 2 cm là cơ hội vàng để điều trị ung thư gan. Bác sĩ có thể dùng phương pháp đốt u, nút mạch hoặc cắt phân thùy lấy khối u, người bệnh có thể được điều trị tận gốc ung thư gan.
Bệnh ở giai đoạn tiến triển xa, di căn việc điều trị chỉ là nâng đỡ hỗ trợ bệnh nhân, kìm hãm sự phát triển của khối u.
Với người nhiễm viêm gan virus hoặc vừa bị viêm gan siêu vi, vừa uống rượu sẽ quan tâm khám kỹ hơn. Cả hai tác nhân này đều tăng nguy cơ ung thư hơn.
Ung thư gan ở Việt Nam đứng đầu trong các bệnh ung thư. Theo Globocan năm 2020, cả nước có 26.418 ca mắc, chiếm 14,5% tổng số ca ung thư và 25.272 ca tử vong, đứng đầu trong các loại ung thư. Tỷ lệ mới mắc và tử vong gần tương đương nhau.
Theo PV (VietNamNet)