Khá bất ngờ khi căn bệnh nguy hiểm này lại phổ biến, trong khi nhiều người còn không biết nó là gì.
Lupus là gì?
Lupus (hay còn gọi là Lupus ban đỏ hệ thống) là một căn bệnh rối loạn hệ thống miễn dịch. Thông thường, hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng cách tấn công các tế bào xấu, vi khuẩn, virus gây hại sức khỏe. Tuy nhiên, khi bị mắc Lupus, hệ miễn dịch bị rối loạn sẽ quay lại tấn công các tế bào khỏe mạnh gây tổn thương mô và các cơ quan.
|
Những ai có nguy cơ mắc Lupus?
Theo Tổ chức Lupus của Mỹ, có khoảng 1,5 triệu người ở Hoa Kỳ mắc bệnh Lupus. Trong đó, phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ (14 - 45 tuổi) thường có nguy cơ mắc Lupus nhất. Đây là căn bệnh không quá hiếm, theo thống kê thì cứ 250 người sẽ có một người mắc bệnh.
|
Nguyên nhân gây ra bệnh Lupus
Đến nay, y học vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh Lupus chính xác là gì. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu thì khả năng bệnh được gây ra là do cấu trúc gen, virus, hóa chất môi trường... Ngoài ra, hormone nữ cũng được cho là có liên quan đến bệnh bởi theo thống kê thì số lượng nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới rất nhiều.
Triệu chứng của Lupus
Các triệu chứng của Lupus ở mỗi người thường biểu hiện không giống nhau. Một trong số triệu chứng thường gặp bao gồm: đau viêm khớp, sốt không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, nổi phát ban, sưng mắt cá chân, đau ngực, một vết bướm phát ban trên má và mũi.
Ngoài ra, người bị Lupus cũng có thể gặp các triệu chứng khác như: rụng tóc, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, động kinh, lở loét miệng mũi, ngón tay chân nhợt nhạt hoặc tím bầm...
|
Biến chứng của Lupus
Một khi đã bị Lupus thì người bệnh thường gặp rất nhiều biến chứng ở các cơ quan khác nhau như:
- Da: Những người bị Lupus thường có làn da rất nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Biểu hiện đầu tiên là nổi các nốt ban đỏ trên má và mũi mà người ta thường gọi là "bướm" hoặc các vùng khác trên cơ thể.
- Xương khớp: Viêm khớp có thể xuất hiện sau vài ngày hoặc vài tuần phát bệnh. Tuy nhiên, chỉ là đau nhức chứ không có biến chứng tê liệt các chi.
- Thận: 50% người bệnh thường gặp vấn đề ở thận và gây nguy hiểm tính mạng. Biến chứng sang thận thường xuất hiện sau 5 năm mắc bệnh kèm các triệu chứng như sưng chân, tăng huyết áp, nước tiểu có máu hay tiểu đêm.
- Máu: Người bị Lupus có thể giảm số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu. Từ đó rất dễ gây ra tình trạng thiếu máu, dễ nhiễm trùng, thâm tím da và chảy máu dễ dàng. Một số bệnh nhân khác còn hình thành cục máu đông trong động mạch có thể gây đột quỵ bất cứ lúc nào.
- Não và tủy sống: Ảnh hưởng của bệnh Lupus đến não và tủy sống là trường hợp hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu xui rủi gặp phải biến chứng này có thể gây ra trầm cảm, động kinh, tê liệt, đột quỵ.
- Tim và phổi: Viêm màng ngoài tim, viêm màng phổi là dạng biến chứng thường gặp ở bệnh nhân Lupus. Khi gặp biến chứng này, bệnh nhân có thể bị đau ngực, nhịp tim không đều, hụt hơi, tích tụ dịch quanh phổi...
|
Điều trị Lupus thế nào?
Cho đến nay, mặc dù y học ngày càng phát triển nhưng vẫn chưa tìm được thuốc chữa trị dứt điểm căn bệnh này. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể kiểm soát bệnh bằng các loại thuốc đặc trị để giảm thiểu các biến chứng và hạn chế tổn thương nội tạng. Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách thì người bệnh vẫn có thể "sống chung với lũ" lâu dài.
Theo Đoan Trang (Tri Thức Trực Tuyến)