Những năm gần đây, cô nàng xinh đẹp và tài năng từng nhiều lần khổ sở khi phải điều trị hàng loạt bệnh nặng trong có việc ghép thận, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, trầm cảm...
Theo trang Page Six, ca sĩ nổi tiếng này phát hiện mắc lupus ban đỏ, bắt đầu điều trị vào năm 2014. Năm 2020, chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
“Khi còn trẻ tôi không nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào của lupus ban đỏ. Bây giờ tôi chỉ cảm thấy đau. Một buổi sáng thức dậy, tôi bật khóc vì quá đau đớn”, Selena nói. Bác sĩ của cô thông báo cơn đau bắt nguồn từ sự chồng chéo của bệnh lupus ban đỏ và viêm cơ, gây đau đớn, suy yếu các cơ.
Lupus ban đỏ là căn bệnh nguy hiểm nhưng ít người biết đến
Lupus (hay còn gọi là Lupus ban đỏ hệ thống) là một căn bệnh rối loạn hệ thống miễn dịch. Thông thường, hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng cách tấn công các tế bào xấu, vi khuẩn, virus gây hại sức khỏe. Tuy nhiên, khi bị mắc Lupus, hệ miễn dịch bị rối loạn sẽ quay lại tấn công các tế bào khỏe mạnh gây tổn thương mô và các cơ quan.
Bệnh hay gặp ở nữ nhiều hơn nam, độ tuổi trung bình 20-50 tuổi. Trung bình, cứ 10 bệnh nhân mắc bệnh thì có 9 người là nữ. Bệnh thường được gặp ở lứa tuổi cho con bú.
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn ảnh hưởng đến hơn 5 triệu người trên toàn thế giới. Mỗi năm có thêm 16.000 ca mắc mới được phát hiện. Đây là bệnh nguy hiểm tuy nhiên chưa nhiều người biết đến.
Trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Lan Anh, Trung tâm Da liễu – Dị ứng, Bệnh viện 108, cho biết lupus ban đỏ hệ thống là bệnh viêm hệ thống, có cơ chế tự miễn, chưa rõ nguyên nhân. Bệnh đặc trưng bởi hiện tượng cơ thể tự sản xuất các tự kháng thể chống lại một số thành phần của chính mình.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống vào điều trị tại Trung tâm luôn chiếm số lượng đông nhất, với hơn 1.000 lượt/năm, tương đương gần 50% tổng bệnh nhân nội trú.
Theo TS.BS Phạm Huy Thông, Phó giám đốc Trung tâm, 9 trên 10 bệnh nhân mắc lupus ban đỏ là nữ, thường gặp ở lứa tuổi cho con bú.
Nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ. Phần lớn các nghiên cứu gợi ý rằng có 3 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến quá trình phát sinh bệnh gồm: Di truyền, môi trường và hormone giới tính.
"Trung tâm ghi nhận các trường hợp lupus gia đình như mẹ và con; hay chị em gái cùng mắc bệnh. Có trường hợp cá biệt chị gái và em trai cùng mắc" - TS Thông cho hay.
Triệu chứng của lupus ban đỏ
Theo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời ThS. BS Nguyễn Doãn Tuấn, BV Da liễu Trung ương, cho biết bệnh lupus ban đỏ hệ thống đúng như tên gọi của nó là có tác động gần như toàn thân, đa cơ quan, trong đó hay gặp nhất là các tổn thương ở da (như ban đỏ, rụng tóc, loét miệng, viêm cơ…), đặc biệt là các tổn thương cơ quan nội tạng như: thận, tim, phổi, rối loạn tâm thần…
Các biển hiện ngoài da của bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của bệnh nhân, khiến họ tự tị, ngại giao tiếp; còn tổn thương nội tạng có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
Giới chuyên gia cho rằng, triệu chứng toàn thân của lupus ban đỏ hệ thống thường không đặc hiệu. Đôi khi bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn. Triệu chứng thực thể của bệnh rất khác nhau tùy từng người bệnh. Có những bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên là sưng đau khớp. Có những người lại có triệu chứng đầu tiên là ban đỏ ở mặt...
Ban đỏ cánh bướm ở mặt cũng là một trong những triệu chứng điển hình của lupus ban đỏ hệ thống. Có những người không có biểu hiện bên ngoài nhưng có biểu hiện bên trong, khi xét nghiệm thì phát hiện ra như tổn thương nội tạng, tổn thương ở hệ thần kinh,...
Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường mơ hồ và giống với nhiều bệnh lý khác cho nên có những người bệnh từ lúc có những triệu chứng đầu tiên cho đến khi bệnh được chẩn đoán xác định có thể mất tới vài năm.
Biến chứng của Lupus
Một khi đã bị Lupus thì người bệnh thường gặp rất nhiều biến chứng ở các cơ quan khác nhau như:
- Da: Những người bị Lupus thường có làn da rất nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Biểu hiện đầu tiên là nổi các nốt ban đỏ trên má và mũi mà người ta thường gọi là "bướm" hoặc các vùng khác trên cơ thể.
- Xương khớp: Viêm khớp có thể xuất hiện sau vài ngày hoặc vài tuần phát bệnh. Tuy nhiên, chỉ là đau nhức chứ không có biến chứng tê liệt các chi.
- Thận: 50% người bệnh thường gặp vấn đề ở thận và gây nguy hiểm tính mạng. Biến chứng sang thận thường xuất hiện sau 5 năm mắc bệnh kèm các triệu chứng như sưng chân, tăng huyết áp, nước tiểu có máu hay tiểu đêm.
- Máu: Người bị Lupus có thể giảm số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu. Từ đó rất dễ gây ra tình trạng thiếu máu, dễ nhiễm trùng, thâm tím da và chảy máu dễ dàng. Một số bệnh nhân khác còn hình thành cục máu đông trong động mạch có thể gây đột quỵ bất cứ lúc nào.
- Não và tủy sống: Ảnh hưởng của bệnh Lupus đến não và tủy sống là trường hợp hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu xui rủi gặp phải biến chứng này có thể gây ra trầm cảm, động kinh, tê liệt, đột quỵ.
- Tim và phổi: Viêm màng ngoài tim, viêm màng phổi là dạng biến chứng thường gặp ở bệnh nhân Lupus. Khi gặp biến chứng này, bệnh nhân có thể bị đau ngực, nhịp tim không đều, hụt hơi, tích tụ dịch quanh phổi...
Điều trị lupus ban đỏ thế nào?
Cho đến nay, mặc dù y học ngày càng phát triển nhưng vẫn chưa tìm được thuốc chữa trị dứt điểm căn bệnh này. Tuy nhiên, nếu bệnh lupus ban đỏ hệ thống được phát hiện kịp thời cũng như duy trì điều trị thường xuyên thì có thể kiểm soát được bệnh, hạn chế tối đa các tổn thương ở nội tạng. Việc điều trị các tổn thương ngoài da ổn định giúp bệnh nhân có thể sống cuộc sống như mọi người, bệnh ổn định lâu dài.
Mục tiêu của điều trị lupus ban đỏ hệ thống chủ yếu là kiểm soát các triệu chứng bệnh trong đợt cấp, dự phòng các tổn thương nội tạng và dự phòng các đợt bệnh tái phát...
PN (Nguoiduatin.vn)