NSND Thế Anh có tiền sử tai biến mạch máu não, được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM). Dù được các bác sĩ tận tình chăm sóc nhưng do tuổi cao sức yếu, ông đã qua đời sáng 29/9.
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý tim mạch thường gặp ở các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển như ở Việt Nam.
Theo PGS.TS Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Giám đốc Trung tâm tim mạch (Đại học Y Dược TP.HCM), nhồi máu cơ tim cấp có thể đe dọa đến tính mạng, là kết quả của sự tắc nghẽn đột ngột và hoàn toàn lưu lượng máu đến nuôi động mạch vành thường do huyết khối. Huyết khối thường được hình thành ngay tại vị trí của mảng xơ vữa động mạch. Cơ chế hình thành cục huyết khối rất phức tạp, phụ thuộc vào tuổi và giới tính.
Ai dễ bị nhồi máu cơ tim?
BS. Nguyễn Đức Ninh, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện 108 cho hay, nhồi máu cơ tim là nguyên nhân gây đột tử hàng đầu có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì, lối sống ít vận động.
Những người có tiền căn nhồi máu cơ tim, tiền căn gia đình có người mắc bệnh động mạch vành sớm (nam trước 55 tuổi, nữ trước 65 tuổi) cũng dễ bị bệnh này. Người mắc bệnh thận mạn hoặc tiền căn bệnh tự miễn, tiền sử tiền sản giật hoặc đái tháo đường thai kỳ, rối loạn lipid máu: Tăng cholesterol, tăng triglycerid máu, thừa cân, béo phì BMI ≥23. Những người ít vận động... là những đối tượng được "điểm danh nguy cơ cao" mắc bệnh.
Nhóm người dễ bị nhồi máu cơ tim nhất là nam giới trên 40 tuổi (trung niên và cao tuổi). Căn bệnh này hiện nay được nhận định là đang dần trẻ hoá, số người trẻ mắc ngày càng tăng cao. Có không ít trường hợp mắc bệnh khi tuổi đời chỉ mới 25 - rất trẻ.
Triệu chứng của nhồi máu cơ tim
Người bị nhồi máu cơ tim ban đầu thường có triệu chứng như: Hồi hộp, đánh trống ngực, đau thắt ngực, mức độ có thể dao động từ ít như kiểu đè nặng, cảm giác nóng rát trước ngực trái đến nhiều như đau dữ dội giống dao đâm, siết chặt. Người bệnh còn bị khó thở, thở dốc, vã mồ hôi, buồn nôn...
Cơn đau có thể lan từ vị trí sau xương ức lên cổ, hàm dưới, vai trái, lưng, bụng hoặc cánh tay trái cho đến tận ngón đeo nhẫn và ngón út. Thời gian đau kéo dài trên 20 phút, khi nghỉ ngơi cơn đau cũng không giảm. Thi thoảng người bệnh bắt gặp cơn đau thượng vị như cơ đau của bệnh lý tiêu hóa.
“Vì sự nguy hiểm của bệnh mà khi có các triệu chứng như trên, đặc biệt là cơn đau ngực xuất hiện cấp tính dữ dội kéo dài hơn 10 - 20 phút không đỡ, người bệnh nên đến trung tâm y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ Bình khuyến cáo.
Đề phòng nhồi máu cơ tim cần làm gì?
BS. Ngô Võ Ngọc Hương - Khoa Tim mạch tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115 cho hay để phòng nhồi máu cơ tim, cần duy trì ổn định cân nặng ở mức tương đối, phù hợp. Chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý. Tập luyện thể dục, vận động thường xuyên, giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, áp lực, hạn chế rượu bia, chất kích thích, chất béo.
Khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm để đảm bảo sức khỏe, tầm soát bệnh nói chung
Đối với người trẻ có nguy cơ tăng huyết áp, nhiều cholesterol, đái tháo đường, gia đình có người bị nhồi máu cơ tim cần khám sức khỏe thường xuyên hơn.
Theo T.Nguyên (Giadinh.net.vn)