Ngày 9/12 vừa qua, thông tin nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối. Trong đám tang của cố nghệ sĩ hài, khán giả vô cùng xúc động khi trông thấy hình ảnh nghệ sĩ Hoài Linh tiều tụy, mệt mỏi.
Theo tiết lộ của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, sức khỏe của Hoài Linh hiện không cho phép xuất hiện ở những nơi đông người hay làm việc quá sức nhưng nam danh hài vẫn cố gắng lo liệu chu toàn cho đám tang tri kỷ.
Trước đây, Hoài Linh đã nhiều lần khiến người hâm mộ lo lắng khi gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Nam nghệ sĩ từng tiết lộ mình mắc bệnh đau bao tử, mất ngủ kinh niên niên thỉnh thoảng phải truyền nước biển cho lại sức. Trong một bài phỏng vấn cuối năm 2019, nam danh hài cũng tiết lộ mình đang tập trung chữa chứng rối loạn tiền đình nên ít khi xuất hiện.
Còn nhớ trong một tập "Gương mặt thân quen nhí", khi Đại Nghĩa mời Hoài Linh thử xoay người nhiều vòng thì nam danh hài cũng cho biết: “Thật tình là tôi bị rối loạn tiền đình nên không có xoay người nhiều mặt được, chóng mặt là tôi xỉu liền”.
Thực tế, căn bệnh rối loạn tiền đình mà Hoài Linh mắc không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng khiến bệnh nhân mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Đây là căn bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, vô cùng phổ biến ở Việt Nam.
Bệnh rối loạn tiền đình mà nghệ sĩ Hoài Linh mắc phải là gì?
Tiền đình là bộ phận nằm ở sau hai bên ốc tai, nắm vai trò điều chỉnh thăng bằng tư thế và các phối hợp cử động mắt, đầu, thân mình. Khi mắc rối loạn tiền đình, bạn sẽ bị mất thăng bằng khi thay đổi tư thế, gây chóng mặt, đầu óc quay cuồng, buồn nôn, dễ ngã.
Chứng rối loạn tiền đình trong thời đại ngày nay ngày càng phổ biến vì áp lực công việc, môi trường sống ô nhiễm, thời tiết thay đổi...
Rối loạn tiền đình là một bệnh lý có liên quan đến thần kinh và cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bởi bệnh có thể khiến cuộc sống người bệnh mệt mỏi, chán nản.
Nếu để lâu không điều trị sẽ dẫn đến các bệnh lý khác như thần kinh, tim mạch, huyết áp thấp, thậm chí rối loạn tiền đình nặng có thể khiến người bệnh bị đột quỵ do máu ít được lưu thông lên não... Chính vì thế khi gặp phải các triệu chứng của bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán cụ thể và có biện pháp chữa trị kịp thời.
Triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình là gì?
- Chóng mặt, buồn nôn, ù tai, mất thăng bằng
- Bệnh để lâu ngày dễ tiến triển mãn tính, khiến bệnh nhân trầm cảm, suy yếu mệt mỏi
- Quay cuồng, lảo đảo
- Buồn nôn hoặc nôn
- Tầm nhìn bị xáo trộn, hay nhạy cảm với ánh sáng, khó nhìn tập trung vào một điểm, có ảo giác
- Thính lực suy giảm, có cảm giác ù tai
- Khó tập trung, suy giảm trí nhớ, mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần
- Thay đổi tâm lý: mất tự chủ, tự ti, lo âu, hoảng loạn, trầm cảm
Làm sao để có thể phòng ngừa chứng rối loạn tiền đình?
Để phòng tránh chứng rối loạn tiền đình, ngay từ khi còn trẻ bạn đã nên:
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên
- Hạn chế cảm xúc căng thẳng, tiêu cực
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Tránh để tình trạng cơ thể quá thiếu nước
- Hạn chế uống bia, rượu, hút thuốc lá
- Không nên quay cổ đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh
- Chế độ làm việc và nghỉ ngơi điều độ, không nên cố gắng làm việc quá sức
- Thực hiện chế độ ăn khoa học, giàu chất xơ
- Nhận thấy bản thân có dấu hiệu của bệnh rối loạn tiền đình, nên đến gặp và điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo Tiểu Vy (Pháp Luật & Bạn Đọc)