Tử vong vì chủ quan
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã cấp cứu cho một bệnh nhân từ Quảng Ngãi được gia đình đưa vào bệnh viện vì các triệu chứng sợ nước, sợ ánh sáng…
Theo người nhà của bệnh nhân này, cách đây đúng 1 tháng anh bị chó nhà nuôi cắn. Sau khi con chó cắn chủ, con chó luôn sợ hãi, chảy nhiều dãi. Vì bực tức bị chó cắn vào cổ tay nên bệnh nhân này đã đập chết con chó.
Con chó chết, bệnh nhân đã đến nhà thấy lang thử dại và lấy thuốc về uống. Khoảng hơn 20 ngày sau, bệnh nhân có các triệu chứng tê chân tay và quanh vùng cắn tăng cảm giác dị cảm. Người bệnh lại tới chỗ thầy lang để “đặt ngọc” - một cách chữa chó cắn của thầy lang và lấy thuốc về uống.
Đến khi có các triệu chứng của bệnh dại như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, người nhà bệnh nhân đã đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu.
Người bệnh 36 tuổi, còn rất trẻ với ánh mắt tha thiết mong được cứu sống nhưng bác sĩ không thể cứu được vì với bệnh dại khi đã phát bệnh 100% là tử vong.
Sau 4 tiếng được giải thích về bệnh, người bệnh đã hiểu hơn và tỉnh táo đón nhận cái chết đến. Nếu trường hợp này, bệnh nhân đến bệnh viện chích ngừa vắc xin dại thay vì tin vào thầy lang, bà mế thì chắc chắn không phải chết.
Câu chuyện bị chó cắn sợ vắc xin dại đi chữa thầy lang được bác sĩ cảnh báo rất nhiều nhưng hàng ngày vẫn có người bệnh bị bệnh dại phát tác do chó cắn, mèo cắn trước đó nhưng không đến trung tâm tư vấn mà đến nhà thầy lang.
Bác sĩ Trương Hoàng Hưng, bác sĩ Nội trú Đại học Y Dược TP.HCM, hiện đang sống tại Texza (Hoa Kỳ) cho biết bệnh dại gây ra do nhiễm virus mang hình viên đạn trong nhóm vi rút Rhabdoviridae.
Bệnh dại thật sự là một tình trạng viêm não và tuỷ sống cấp tính gây ra do vi rút này. Vi rút dại khi vào cơ thể con người có khả năng xuyên qua hàng rào máu não dễ dàng và vào mô thần kinh của người bệnh. Tại đây, chúng sinh sản và gây bệnh, đồng thời đi vào nước bọt của người bệnh. Đó chính là giai đoạn gây nhiễm cho người khác.
Giai đoạn ủ bệnh có thể ngắn từ 14 ngày cho tới hơn 1 năm, tuy nhiên thường là 1-2 tháng.
Qua giai đoạn ủ bệnh, người bệnh bắt đầu có các triệu chứng như sốt, đau họng, nhức đầu, mệt mỏi, nôn ói, bứt rứt, co cứng cơ, có những cơn sợ hãi, sợ nước do co thắt cơ hầu họng khi uống nước, co giật, ảo giác, sùi bọt mép sau đó là liệt từ chân tới đầu. Cuối cùng là chết do suy hô hấp hay ngưng tim.
Vi rút dại có thể lây lan từ cá thể này sang cá thể khác qua nước bọt, chủ yếu là do các vết cắn, hay tiếp xúc trực tiếp với nước bọt qua vùng da bị trầy xước, hay qua niêm mạc mắt, mũi, họng.
Ngoài ra, có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với mô thần kinh của cá thể bệnh, nhưng hiếm gặp, hay gặp ở thợ săn hay nhân viên trong phòng thí nghiệm, hoặc những người tiếp xúc với động vật thường xuyên.
Tại Mỹ, bệnh dại rất hiếm, mỗi năm chỉ có vài ca, từ sau luật nuôi chó mèo phải chích ngừa dại định kỳ. Các ca bệnh dại chủ yếu là từ động vật hoang dã mà hàng đầu là dơi, sau đó đến chồn, cáo, skunk,…
Trong khi đó ở các nước khác trên thế giới, mỗi năm có khoảng 40000-70000 người chết vì bệnh dại. Nguồn bệnh chủ yếu là từ thú nuôi như chó, mèo, đặc biệt là chó. Dĩ nhiên vẫn có trường hợp bệnh dại từ động vật hoang dã nhưng phần lớn là từ chó, mèo do không được chủng ngừa.
Bệnh dại là căn bệnh gây tử vong 100%, không có thuốc nào chữa được. Nhưng lại vô cùng may mắn, bệnh dại có thể hoàn toàn phòng ngừa bằng vắc xin ngừa dại và kháng huyết thanh dù có bị lây nhiễm vi rút dại, đây chính là nhờ thời gian ủ bệnh khá lâu.
Vắc xin dại không dùng đại trà mà chỉ dùng trên những người có nguy cơ nhiễm vi rút dại cao như bác sĩ thú y hay nhân viên làm việc trong phòng khá thú y, vườn thú, cơ sở nuôi động vật, phòng thí nghiệm trên động vật hay vi rút dại, người sắp phải làm việc với động vật trong vùng có tỷ lệ bệnh dại cao, những người bị chó, mèo cắn.
Người bị chó, mèo cắn hay cào xước cần giữ chó mèo vào nơi an toàn, tránh tiếp xúc người và động vật khác trong 10 ngày. Nếu trong 10 ngày mà chó mèo khoẻ mạnh, không cần phòng dại. Còn trong 10 ngày mà chúng phát điên, bỏ đi mất, hay phát bệnh mà chết thì đi phòng dại ngay lập tức.
Chó mèo nếu đã có chích ngừa dại theo định kỳ, người bị cắn không cần phòng dại.
Chú ý, nếu chỉ có trầy xước không có nghĩa là an toàn vì có thể tiếp xúc với nước bọt của động vật mà không biết.
Theo Bảo Lâm (Phunusuckhoe.vn)