Năm 2013, Việt Nam có gần 3.300 ca tiểu đường trong độ tuổi từ 20-79, dự báo đến năm 2035 con số này sẽ tăng lên gần 6,4 triệu người.
Theo bác sĩ Từ Kim Thanh, Bệnh viện Quận 2 TP.HCM, cứ 10 giây trôi qua trên thế giới có một người tử vong vì bệnh đái tháo đường, 24 giờ tiếp theo có bệnh nhân mắc một trong những biến chứng như mất thị lực, chạy thận nhân tạo và suy tim.
Bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Medscape. |
Thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường cho thấy người châu Á có tỷ lệ mắc tiểu đường type 2 tăng cao nhất. Năm 2013, Việt Nam có gần 3.300 ca tiểu đường trong độ tuổi từ 20-79, dự báo đến năm 2035 con số này sẽ tăng lên gần 6,4 triệu ca. Năm 2015 ước tính nước ta có khoảng 54.000 trường hợp tử vong có liên quan đến căn bệnh này.
Đái tháo đường (bệnh tiểu đường) là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat, mỡ và protein khi hormone insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao.
Ngoài ra, đái tháo đường là căn bệnh không có biểu hiện cụ thể, các triệu chứng mơ hồ nên khó nhận biết. Một trong các dấu hiệu của bệnh là người mắc phải uống nước liên tục nhưng vẫn khát và đi tiểu nhiều lần.
Bệnh có liên quan chặt chẽ với các yếu tố như thừa cân, béo phì, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn nhiều đường, chất béo, thức ăn nhanh, lối sống thụ động, ít tập thể thao hay thức khuya, ăn khuya.
Đái tháo đường được xem là một trong 4 đại dịch của thế kỷ vì những biến chứng của nó. Số ca tử vong do căn bệnh này cao gấp 3-4 lần so với HIV/AIDS và bệnh lao. Tuy vậy, 70% số trường hợp mắc đái tháo đường có thể phòng tránh được, hoặc làm chậm các triệu chứng bệnh nếu phát hiện kịp thời.
Tại hội thảo, các chuyên gia khuyến cáo để phòng bệnh, người dân cần có lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, không để tình trạng tăng cân quá đà dẫn đến béo phì, rối loạn chuyển hóa.
Theo Phú Mỹ (Tri Thức Trực Tuyến)