Cuối tháng 11 năm 2019, siêu mẫu Lan Khuê trở thành "mẹ bỉm sữa" sau khi hạ sinh quý tử đầu lòng. Những hình ảnh, câu chuyện về con trai thường xuyên được siêu mẫu chia sẻ lên trang cá nhân. Mới đây, siêu mẫu Lan Khuê đã chia sẻ về tình trạng bệnh ngoài da mà con trai đang mắc phải.
"Con bị chàm do gia đình có gen viêm da cơ địa dị ứng. Mấy ngày nay thương lắm, ngứa cứ dụi lấy dụi để mặt vào người mẹ cho đã ngứa. Con dụi miết mà vết chàm nó vỡ ra nước luôn. Dẫn con đi bác sĩ, bác cho tắm thuốc tím và bôi thuốc bác tự bào chế. Thuốc có màu đỏ nên bôi lên mặt và người nhìn con thảm lắm.
Trông y như mới đi đánh nhau với 5 em bé đô con bị đánh hội đồng. Bôi được 2 tuần, nay da con khô bề mặt, đóng mày hết rồi. Giờ mẹ không bôi thuốc màu đỏ nữa, chuyển qua bôi kem trị chàm. Kem không màu nên từ từ con sẽ màu trắng lại chứ không còn đỏ nữa" – Lan Khuê chia sẻ.
Những hình ảnh mà Lan Khuê chia sẻ cho thấy cơ thể bé bôi đầy thuốc, nổi lên nhiều mẩn đỏ. Nữ siêu mẫu lo lắng bệnh sẽ ảnh hưởng đến ngoại hình của con trai về sau.
Căn bệnh con trai siêu mẫu Lan Khuê mắc gặp ở nhiều lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Chàm có 3 loại là chàm cấp, chàm mãn và chàm khô tương đối phổ biến ở trẻ em. Nguyên nhân gây bệnh chàm có rất nhiều, trong đó nguyên nhân chính do cơ địa mẫn cảm, dễ dị ứng. Gia đình nếu cả hai bố mẹ đều bị viêm da cơ địa thì 80% con sinh ra mắc bệnh này. Còn một trong hai người mắc, xác xuất bệnh sẽ giảm xuống còn 50%.
BS Đinh Doãn Thạch – Bệnh viện Da liễu Hà Nội cơ sở 2 cho biết, bệnh chàm còn gọi là viêm da cơ địa. Trẻ nhỏ khi mắc chàm phải hết sức quan tâm đến điều trị cho trẻ. Tổn thương vùng da gây hiện tượng ngứa ngáy dai dẳng, khó chịu. Những bé bị nặng có thể gãi đến chảy máu, gây bội nhiễm, chảy nước và đóng vảy…
Tại chỗ nên dùng các loại thuốc vừa có tác dụng làm mất khả năng dị ứng và không để cho nhiễm trùng. Một số trẻ chuyển sang chàm vi trùng điều trị sẽ vô cùng khó khăn dai dẳng, tốn kém. Thứ 2, đưa trẻ đến bác sĩ da liễu để được khám, cho thuốc bài bản điều trị để từ đó tư vấn cho người lớn cách chăm sóc. Tuyệt đối không tự ý điều trị, các loại thuốc cần phải phải kê theo đơn của bác sĩ, tránh tác dụng phụ của thuốc.
Chuyên gia da liễu cho biết, dựa vào biểu hiện lâm sàng chia làm 2 giai đoạn. Bệnh chàm thể trạng trẻ còn bú dưới 2 tuổi còn gọi là viêm da cơ địa nhũ nhi và chàm thể tạng thời niên thiếu trên 2 tuổi. Viêm da cơ địa nhũ nhi thường xuất hiện từ 3 tháng tuổi. Biểu hiện ban đầu là ngứa ban đỏ 2 má, sau đó hình thành mụn nước li ti như rôm; mụn vỡ ra, tạo vẩy rồi lan ra vùng trán, cằm, vùng da khác của cơ thể…
Nếu không điều trị có thể dẫn tới đỏ da toàn thân, nhiễm khuẩn thứ phát. Khi gãi nhiều sẽ tạo thành các mảng da dày rất khó chữa. Trong trường hợp viêm da cơ địa nhũ nhi điều trị không đúng cách dẫn tới chàm thể trạng thời niên thiếu trở thành mãn tính. Da khô, dày da gây mất thẩm mĩ cơ thể.
Theo BS Đinh Doãn Thạch, những trẻ bị chàm do ngứa ngáy khó chịu có thể dẫn tới biếng ăn, khó ngủ. Khi thời tiết hanh khô, trẻ nằm trong điều hòa hay dùng máy sưởi, làn da mất nước càng ngứa, khó chịu hơn.
Bởi vậy, gia đình có trẻ mắc chàm cần lưu ý:
* Nên:
+ Giữ ẩm da cho trẻ bằng những sản phẩm có thành phần từ thiên nhiên như dầu dừa, dầu oliu… giảm kích ứng viêm da cơ địa.
+ Chú ý tắm rửa sạch sẽ thường xuyên cho trẻ để da khô thoáng.
+ Không tắm trẻ bằng nước quá nóng, quá lâu
+ Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ …
+ Chàm còn là bệnh hay tái phát nên việc điều trị, theo dõi hết sức quan trọng, đặc biệt. Cần thăm khám thường xuyên.
* Không nên:
+ Dùng xà phòng nhiều, sữa tắm nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu.
+ Mặc đồ len, dạ
+ Cho trẻ tiếp xúc với chó mèo
+ Tuyệt đối không tự ý chữa bệnh cho con bằng các phương pháp dân gian truyền miệng để tránh tình trạng viêm nhiễm trầm trọng thêm.
Theo Phương Thuận (Giadinh.net.vn)