Sáng 3/12, chị Lài được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, bị xây xát ngoài da, chảy máu ở môi, vẫn tỉnh táo. Bác sĩ chỉ định chụp chiếu phim, kết quả bình thường.
Chị Lài được chuyển lên khoa Răng hàm mặt sáng cùng ngày. Ngay sau khi tiêm một mũi vắcxin chống uốn ván, chị Lài than đau đầu rồi nôn hai lần. Ông Nguyễn Viết Cường 67 tuổi, cha bệnh nhân, kể khi ấy chị Lài ngất, mắt đứng tròng nên được bác sĩ chuyển về phòng cấp cứu.
Bệnh nhân được lọc máu liên tục trong ba ngày. Đến ngày 5/12, kết quả chụp CT lần thứ hai cho thấy tĩnh mạch, động mạch vỡ, "tiên lượng xấu". Ông Cường cho hay gia đình xin chuyển bệnh nhân lên tuyến trung ương điều trị, bệnh viện yêu cầu phải "cam kết chịu trách nhiệm" nên người nhà không chuyển viện nữa.
Chiều hôm sau, chị Lài được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế. Trưa 7/12, gia đình đưa chị Lài về nhà, tử vong sau đó.
Ông Cường cho rằng bệnh viện khiến con gái ông sốc thuốc, không sớm chẩn đoán được chấn thương sọ não, không sớm chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, dẫn đến tử vong. Đến nay, sau khi đã mai táng cho con xong, gia đình vẫn chưa được biết nguyên nhân cái chết, chưa nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.
Theo bác sĩ Trương Xuân Nhuận, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, bệnh nhân Lài bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắcxin uốn ván, nhưng đã được "xử lý thành công".
Khi xảy ra sốc phản vệ, y bác sĩ tại bệnh viện đã cấp cứu bệnh nhân. Khoảng 5 phút sau thì huyết áp bệnh nhân trở lại bình thường, tim đập. Bệnh nhân được đưa vào hồi sức tích cực chống độc để chạy thận.
Bác sĩ Nhuận cho hay, sau khi chụp CT lần thứ hai, bệnh viện phát hiện bệnh nhân bị chấn thương sọ não nên đã gặp gỡ gia đình giải thích. "Bệnh nhân tử vong do chấn thương sọ não nghiêm trọng, không phải do sốc thuốc", ông Nhuận nói. "Bệnh nhân bị chấn thương sọ não dạng kín nên kết quả kiểm tra ban đầu chưa phát hiện được, không phải chẩn đoán sai".
Ông Nhuận nói thêm rằng, bệnh án của bệnh nhân Lài lưu tại Bệnh viện Trung ương Huế cho thấy có dấu hiệu xuất huyết dưới nhện lan tỏa hai bán cầu, các bể não, dọc liềm và lều não...
Ông Nhuận cho hay, chấn thương sọ não có ba dạng: cấp tính, bán cấp tính và mạn tính. Thời gian xuất hiện triệu chứng lâm sàng của ba dạng này khác nhau. Ví dụ loại cấp tính, có thể sau khi bị tai nạn đến ba ngày sau bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng chấn thương sọ não. Dạng bán cấp tính hay mạn tính, phải từ ba đến 21 ngày sau mới xuất hiện biểu hiện bệnh lâm sàng.
Theo Hoàng Táo (VnExpress.net)