Các cha mẹ cần cảnh giác với một đoạn clip trên Tiktok: Mở đầu là hình chó mèo sau đó là cảnh tự sát rất ghê rợn

25/09/2020 07:23:41

Các chuyên gia an toàn mạng xã hội đang lên tiếng cảnh báo khẩn cấp tới các bậc phụ huynh về việc có một đoạn clip tự tử được đăng lên Tiktok nhằm thu hút sự chú ý của trẻ em.

Gần đây, các trường học và các chuyên gia an toàn mạng xã hội đang lên tiếng cảnh báo khẩn cấp tới các bậc phụ huynh về việc có một đoạn clip tự tử được đăng lên tiktok nhằm thu hút sự chú ý của trẻ em.

Theo đó, đây là đoạn clip quay lại cảnh tự sát của một người đàn ông Mỹ. Ban đầu, đoạn clip được phát trực tiếp được trên Facebook. Sau đó, nó đã lan truyền qua nhiều phương tiện truyền thông xã hội khác nhau như: Twitter, Instagram và Tiktok.

Ngay sau khi nhận thấy nội dung đoạn clip không phù hợp và vi phạm nguyên tắc cộng đồng của mình, Tiktok đã gắn cờ vi phạm và xóa đoạn clip ra khỏi hệ thống. Ngoài ra, người đại diện của Tiktok cũng chia sẻ thêm là họ sẽ khóa những tài khoản nào cố gắng chia sẻ đoạn phim này..

Các cha mẹ cần cảnh giác với một đoạn clip trên Tiktok: Mở đầu là hình chó mèo sau đó là cảnh tự sát rất ghê rợn
Đoạn clip quay lại cảnh tự sát của một người đàn ông Mỹ đã được đăng kèm với hình ảnh chó mèo nhằm thu hút trẻ em (Ảnh minh họa).

"Hệ thống của chúng tôi tự động phát hiện và gắn cờ vào những đoạn video vi phạm quy định. Chúng tôi đang xóa đoạn clip tự tử này và khóa các tài khoản liên tục cố gắng tải đoạn clip lên. Chúng tôi đánh giá cao các thành viên trong ngôi nhà Tiktok – những người đã gửi báo cáo đến cho chúng tôi đồng thời cảnh báo những người khác không nên xem, tải về hoặc chia sẻ nó", mạng xã hội TikTok viết trên tài khoản Twitter của mình.

Mặc dù những video này đã được gỡ bỏ, nhưng trước đó đã có hàng ngàn người xem đoạn clip này. Giải thích về lý do vì sao Tiktok lại không phát hiện sớm những đoạn clip vi phạm này, cô Kirra Pendergast - Giám đốc điều hành công ty tư vấn an toàn mạng Safe on Social ở Úc, cho biết: "Đó là một cú lừa. Mở đầu đoạn clip là những hình ảnh về con chó con mèo nhằm thu hút trẻ em, sau đó thì nó chuyển qua đoạn phim quay lại cảnh tự sát của một người đàn ông nọ".

Vì vậy, cô Kirra khuyên các cha mẹ không nên cho con sử dụng mạng xã hội trong một thời gian để chờ cho các đoạn clip không tốt được xóa hết. Đồng thời, nếu con bạn đã lớn, hãy thảo luận với con về sự việc lần này để con biết cách xử lý.

Nếu chẳng may trẻ đã xem đoạn clip và bị ám ảnh, cha mẹ hãy giúp đỡ con vượt qua chướng ngại tâm lý này. Nếu cần thiết hãy cho trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý.

Cách giữ trẻ an toàn khi tham gia mạng xã hội

Các cha mẹ cần cảnh giác với một đoạn clip trên Tiktok: Mở đầu là hình chó mèo sau đó là cảnh tự sát rất ghê rợn - 1
Cha mẹ cần đồng hành và hướng dẫn con cách sử dụng mạng xã hội an toàn (Ảnh minh họa).

Đứng trước thực trạng bùng nổ thông tin thông qua các phương tiện truyền thông xã hội như hiện nay, việc các cha mẹ cần làm để bảo vệ con của mình khi cho phép trẻ sử dụng mạng xã hội là:

1. Thực hiện đúng yêu cầu về độ tuổi của từng trang mạng

Hầu hết các trang truyền thông xã hội đều yêu cầu người dùng phải từ 13 tuổi trở lên. Vì vậy, đừng nhượng bộ mà khai gian tuổi để tạo lập cho con một tài khoản. Cha mẹ nên làm gương tốt cho con bằng cách tuân thủ đúng các yêu cầu và dùng nó làm lý do để từ chối không cho con sử dụng mạng xã hội khi còn nhỏ.

2. Chuyển thông tin cá nhân về chế độ riêng tư

Khi thiết lập mạng xã hội cho con, cha mẹ cần tìm hiểu về các quy định của trang web. Thêm vào đó, phải cài đặt chế độ riêng tư cho con một số thông tin như tên đầy đủ, địa chỉ, số điện thoại…

Nếu trang mạng xã hội đó có chức năng "chặn" người lạ nhìn thấy hình ảnh hoặc thông tin của chủ tài khoản, cha mẹ hãy nhớ bật chức năng đó.

Các cha mẹ cần cảnh giác với một đoạn clip trên Tiktok: Mở đầu là hình chó mèo sau đó là cảnh tự sát rất ghê rợn - 2

3. Dạy trẻ về việc bắt nạt trên mạng

Cha mẹ cần giải thích trẻ hiểu bắt nạt trên mạng nghĩa là gì. Và con nên nói chuyện này với cha mẹ, thầy cô nếu con thấy mình đang bị tấn công bởi những người phía sau màn hình điện thoại.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên khuyến khích con kìm chế không tham gia vào những hành vi bắt nạt như vậy, ngay cả khi bạn bè rủ rê.

4. Cha mẹ cần là người bạn, người đồng hành cùng con

Lắng nghe con nói, đồng hành cùng con là cách cha mẹ bảo vệ con trước các phương tiện truyền thông xã hội. Và hãy luôn nhắc nhở trẻ rằng: "Con có thể nói chuyện với bố mẹ bất cứ lúc nào nếu ai đó trên facebook, instagram,… làm phiền hoặc khiến con khó chịu".

Ngay cả khi con có mắc lỗi như vào một nhóm hội không lành mạnh thì cha mẹ cũng hãy bình tĩnh và giải quyết vấn đề bằng một trái tim nóng và một cái đầu lạnh.

Theo Hồng Hạnh (Pháp Luật & Bạn Đọc)