Ca sĩ Minh Quân phải cắt bỏ 80% dạ dày: Bác sĩ cảnh báo thói quen làm hỏng dạ dày nhanh chóng

22/10/2021 22:10:17

Chiều 21/10, ca sĩ Minh Quân thông tin, anh nhập viện cách đây một tuần và phải cắt bỏ 80% dạ dày, hiện chỉ có thể uống nước lọc, sinh tố.

Ca sĩ Minh Quân cũng đăng tải hình ảnh phần lớn dạ dày bị cắt bỏ trên mạng xã hội cùng chú thích: "Sáng ngày ra, bác sĩ gửi cho tấm hình mà hết cả hồn! Tạm biệt em dạ dày dạ mỏng".

Được biết lý do ca sĩ Minh Quân phải cắt bỏ 80% dạ dày là do anh bị viêm loét dạ dày và có nguy cơ bục nên được bác sĩ chỉ định nhập viện để mổ nội soi.

Trao đổi với PGS.TS Hoàng Công Đắc, chuyên gia tiêu hoá, nguyên PGĐ Bệnh viện E về vấn đề viêm dạ dày tới mức nào cần phải cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày, PGS Đắc cho biết đối với các trường hợp viêm dạ dày có ổ loét to đã điều trị hết các phương pháp nội khoa nhưng thất bại, bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp bằng phẫu thuật nội soi.

Trường hợp thứ 2, bệnh nhân viêm loét dạ dày sẽ phải chỉ định cắt bỏ khi các ổ loét đó có dấu hiệu ung thư. Các bác sĩ sẽ làm sinh thiết và nếu kết quả khẳng định ung thư, bệnh nhân sẽ phải cắt bỏ dạ dày tùy theo mức độ vị trí ổ loét - cắt ¾, một phần hay toàn bộ.

Ca sĩ Minh Quân phải cắt bỏ 80% dạ dày: Bác sĩ cảnh báo thói quen làm hỏng dạ dày nhanh chóng
Thói quen hút thuốc ảnh hưởng rất lớn tới dạ dày - Ảnh minh hoạ.

PGS Đắc khuyến cáo bệnh lý dạ dày là một trong những bệnh lý khá phổ biến ở Việt Nam do có liên quan tới chế độ ăn, lối sống, sinh hoạt không khoa học, phá vỡ nhịp sinh học của bộ máy tiêu hóa và cơ thể.

Thói quen hút thuốc lá và sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia là những chất độc hại cho cơ thể nói chung và dạ dày nói riêng. Khi uống rượu, bia, cơ thể sẽ tạo ra cortisol tăng nguy cơ viêm loét cho ruột non.

Thói quen sinh hoạt thường ngày như ăn uống không đủ các bữa, ăn uống không đúng giờ, giấc, nhịn đói, giảm cân không khoa học là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh dạ dày.

Ngoài ra, căng thẳng cũng ảnh hưởng đến cơ thể và dạ dày do dạ dày sẽ bài tiết axit nhiều hơn bình thường.

"Đối với những trường hợp đã được chẩn đoán viêm loét dạ dày nhưng điều trị không tích cực vẫn duy trì thói quen hút thuốc, uống rượu bia, ăn uống không kiêng, thức đêm thường xuyên, thường xuyên căng thẳng thần kinh (stress trong công việc, cuộc sống…) dẫn tới tình trạng viêm sẽ diễn biến nặng. Viêm loét dạ dày lâu ngày không được điều trị sẽ dễ dẫn tới ung thư hoá", PGS Đắc khuyến cáo.

Theo PGS Đắc, để kiểm soát tốt tình trạng viêm loét thì người bệnh cần lưu ý điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, người bệnh cần đi tái khám theo đúng lịch của bác sĩ. Người bị viêm loét dạ dày 6 tháng/lần nên đi nội soi để kiểm tra các ổ viêm loét đã lành hay chưa.

Đối với các trường hợp nghi ngờ ung thư thì 3 tháng/lần có thể đi nội soi. Trước đây, trong quá trình thăm khám, PGS Đắc đã gặp không ít trường hợp do không tuân thủ tái khám theo lịch mà bệnh đã tiến triển thành ung thư.

Một số dấu hiệu của bệnh lý dạ dày được chuyên gia khuyến cáo cần đi khám sớm như:

- Đầy hơi, không tiêu, hay buồn nôn: Do dạ dày tiết ra nhiều axit nên dẫn đến hiện tượng trào ngược dạ dày, buồn nôn ở người bệnh. Bệnh nhân viêm loét dạ dày đồng thời cũng cảm thấy khó chịu, đầy hơi và khó tiêu hóa thức ăn. Điều này gây ra các hiện tượng đi kèm như ợ hơi, biếng ăn, ăn không ngon miệng.

- Một số dấu hiệu khác là ợ hơi thường xuyên, nóng rát ở phần dạ dày. Đây là một trong những triệu chứng viêm loét dạ dày phổ biến ở các bệnh nhân. Triệu chứng này hay gặp nhiều nhất là ở những bệnh nhân mới khởi phát bệnh.

Theo Ngọc Minh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)

 

 

Nổi bật