Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm đến hết ngày 11-4, cả nước ghi nhận 18.436 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại 3 tỉnh: Kiên Giang, An Giang và Long An. Còn ở Hà Nội, hiện tại có 28 quận, huyện, thị xã có ca mắc tay chân miệng.
Tại phiên họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố chiều 12/4, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 82 trường hợp mắc tay chân miệng tại 28 quận, huyện, thị xã và số mắc có xu hướng gia tăng.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, dịch bệnh này có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và bệnh chủ yếu gặp ở lứa tuổi nhỏ (dưới 5 tuổi).
Tay chân miệng là dịch bệnh lưu hành thường xuyên trên địa bàn Hà Nội, hằng năm ghi nhận từ 1.000 đến 3.000 trường hợp. Thời gian gần đây, số ca mắc tay chân miệng có xu hướng gia tăng.
Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt và mụn nước thường thấy xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng.
Bệnh tay chân miệng phần lớn ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi và thường gặp nhất là ở lứa tuổi dưới 5.
Bệnh tay chân miệng có lây không?
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus. Có hai loại virus gây bệnh chính là Coxsackievirus và Enterovirus. Mỗi loại virus có đặc điểm dịch tễ, phân bố ảnh hưởng chủ yếu theo vùng và từng năm khác nhau. Đây là bệnh truyền nhiễm có thể lây lan bùng phát thành dịch. Nhìn chung, năm nào xảy ra dịch tay chân miệng với chủng Enterovirus ưu thế sẽ có nhiều biến chứng nặng nề hơn.
Bệnh tay chân miệng lây qua đường nào?
Bệnh tay chân miệng lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiêu hóa.
Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc... Trẻ hắt hơi, chảy mũi, ngậm mút đồ chơi chung với nhau là con đường lây truyền thuận lợi.
Khi bị phát tán ra ngoài, virus vẫn có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nhiệt độ phòng, bám lên đồ dùng, đồ chơi, sàn nhà, ly chén, khăn, quần áo. Nếu một trẻ khỏe mạnh tiếp xúc chung trong môi trường này thì rất dễ bị lây nhiễm.
Bệnh có thể lây trực tiếp và gián tiếp
- Lây trực tiếp: Thông qua đường tiêu hoá khi các bé ăn uống chung hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ trẻ mắc bệnh.
- Lây gián tiếp: Qua bàn tay hoặc cầm, nắm vật dụng bị nhiễm virus (thường là đồ chơi, bàn ghế hay tay nắm cửa), sau đó trẻ vô tình cho tay vào miệng.
Trẻ bị bệnh tay chân miệng khi nào hết lây?
Thông thường những vết mụn nước sẽ tự biến mất sau 1-2 tuần. Như vậy gần như là bé đã khỏi bệnh.
Để tránh lây lan bệnh sang người khác, cha mẹ nên cách ly con mình từ 1 tuần đến 10 ngày, bé sẽ khỏe hẳn và khỏi bệnh hoàn toàn, không còn khả năng lây truyền bệnh cho những đối tượng khác.
Theo XT (Pháp Luật & Bạn Đọc)