Cá là thực phẩm thiết yếu nhưng nhiều người vẫn không biết loại nào giàu chất dinh dưỡng hơn. Chuyên gia sẽ phân tích cho bạn sự giống và khác nhau giữa cá biển và cá đồng.
Hàm lượng dinh dưỡng
So sánh về hàm lượng dinh dưỡng giữa cá đồng và cá biển, cơ bản ngang nhau, đều chứa hàm lượng protein từ 15-22%, chất béo từ 1-10% (bao gồm cả chất béo không no và axít béo), ngoài ra còn chứa một lượng vitamin nhất định (A, D, B2) và khoáng chất (can-xi, na-tri, ka-li, ma-giê).
Hàm lượng DHA
Thực tế lượng DHA có trong cá đồng và cá biển không chênh lệch nhau nhiều.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành phân tích, so sánh hàm lượng DHA và EPA có trong thịt, mỡ, nội tạng 5 loại cá biển (cá hồi, cá hố, cá lù đù, cá thu, cá chim trắng) và 9 loại cá đồng (cá rô châu Âu, cá quế, cá tầm, cá mè trắng, cá mè hoa, cá rô phi, cá Vũ Xương, cá chép, cá trắm cỏ).
Hàm lượng DHA trong cá biển cao hơn cá đồng |
Kết quả cho thấy, lượng DHA và EAP có trong cá đồng thấp hơn cá biển, tuy nhiên cá rô châu Âu lại có hàm lượng hai chất trên cao nhất.
Nếu chỉ ăn mỗi cá biển hoặc cá đồng, ảnh hưởng đến sự cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể?
Do hàm lượng dinh dưỡng trong cá đồng và cá biển chênh lệch nhau không lớn, nó có thể cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể như protein, chất béo không no và không bão hoà, vitamin, khoáng chất vô cùng phong phú.
Tuy nhiên, nếu có điều kiện, bạn nên ăn thay đổi luân phiên giữa cá đồng với cá biển.
Ăn cá thế nào để tốt cho sức khỏe
1. Nên mua cá tươi ngon, an toàn
Bất luận cá đồng hay cá biển đều phải lựa chọn điểm bán đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thông thường, cá tươi vẫn còn độ bóng, vây đuôi còn nguyên vẹn, không rơi rụng, mắt cá trong và lồi ra, hai mang còn đỏ tươi, dịch nhầy (nhớt) trong suốt, thịt cá săn chắc.
Cá không tươi (ươn) chuyển sang màu vàng hoặc đỏ, có loại trắng bệch (cá đồng), mắt bằng hoặc lõm vào và đục, mang cá sẫm màu dính vào nhau, thịt cá mềm nhũn không còn đàn hồi (lấy ngón tay ấn vào thịt cá bị lõm, không đàn hồi trở lại), bụng trương lên hoặc bị vỡ, thậm chí có thể bốc mùi hôi.
Trong điều kiện nhiệt độ khoảng 30℃ sẽ diễn ra quá trình chuyển hoá, hình thành một số loại amin có thể gây ngộ độc cho con người. Vì vậy, khi mua cá tươi về, bạn nên nhanh chóng ướp đá hoặc để tủ đông.
Khi mua cá tươi về, bạn nên nhanh chóng ướp đá hoặc để tủ đông |
2. Hạn chế ăn các loại cá có chứa hàm lượng thuỷ ngân cao
Thông thường, các loại cá có tuổi thọ càng cao thì hàm lượng thuỷ ngân càng lớn. Vì vậy, bạn nên hạn chế ăn các loại cá bắt mồi có kích thước lớn như cá mập, cá buồm, cá ngừ đại dương (đặc biệt là cá ngừ mắt to và cá ngừ vây xanh).
3. Không ăn mật cá
Một số bộ phận nội tạng của cá đồng và cá biển có độc, thậm chí trong mật một số loại chứa hàm lượng lớn muối mật, xyanua, histamine, ăn vào có thể gây suy thận, gan, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, khi chế biến, bạn nên rửa sạch máu, cắt bỏ vây, mang, bỏ hết nội tạng.
4. Tốt nhất nên ăn cá đã được nấu chín
Đối với cá đồng, nếu ăn tái, nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng (chẳng hạn như sán lá gan) rất cao, vì vậy trước khi ăn phải được nấu chín, để tiêu diệt triệt để ký sinh trùng.
Đối với cá biển, nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng cũng khá cao. Nếu muốn ăn gỏi cá biển, nhất định phải đảm bảo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, một số loại cá biển chứa một số loại enzim gây phân hóa thiamine (vitamin B1), nếu ăn một lượng lớn có thể khiến cơ thể thiếu vitamin B1.
5. Nấu cá đúng cách
Đối với cá tươi nên hấp hoặc nấu riêu, lẩu… khi hấp có thể cho thêm ít muối, rượu nấu ăn (cooking wine), hành, gừng, tiêu… nếu cá không được tươi lắm có thể chiên, kho; cá lấy trong tủ lạnh ra nên để rã đông rồi mới chế biến.
Nếu cá không được tươi lắm có thể chiên, kho |
6. Cung cấp lượng cá vừa đủ cho cơ thể
Theo sách "Hướng dẫn Chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc 2016" của Hiệp hội Dinh dưỡng Trung Quốc (CNS) khuyến cáo, người trưởng thành bình quân ăn 40-75 gram cá mỗi ngày, mỗi tuần ăn 280-525 gram. Nếu có điều kiện, mỗi tuần ăn từ 2-3 bữa cá, và nên ăn thay đổi giữa cá đồng với cá biển.
Theo Nguyễn Trinh (Soha/Trí Thức Trẻ)