Câu nói "ăn sáng như hoàng đế, ăn trưa như thần dân và ăn tối như hành khất" có lẽ đã đủ minh chứng bữa sáng quan trọng thế nào. Ăn sáng đầy đủ, đúng cách vừa giúp cơ thể chúng ta tràn đầy năng lượng và đảm bảo sức khỏe dài hạn. Đó là những điều tôi thấm thía sau khi hoàn tất đợt trị xạ lần thứ 3 sau khi phát hiện ung thư dạ dày.
Nhìn sang bên cạnh, rất nhiều người có thói quen ăn sáng sai cách khiến cơ thể mệt mỏi, và nếu kéo dài tình trạng này, bạn rất dễ mắc bệnh nan y (như tôi). Vì vậy hãy chấn chỉnh một cách nghiêm túc và thay đổi ngay khi quá muộn!
Vậy kiểu ăn sáng nào gây hại? Hãy cũng điểm mặt nhé!
1. Ăn ngay khi vừa ngủ dậy
Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, sau một giấc ngủ dài, một phần bữa ăn tối thường vẫn được lưu lại tại các cơ quan của cơ thể. Do đó, các cơ quan tiêu hóa vẫn cần thời gian để chuyển hóa phần ăn đó.
Nếu ăn sáng ngay sau khi thức dậy sẽ khiến thức ăn chồng chất lên nhau, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Nên ăn sáng sau khi thức dậy khoảng 20-30 phút và uống trước một cốc nước lọc ấm để kích hoạt lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể.
2. Ăn sáng quá muộn
Buổi sáng dậy muộn, tắc đường, kẹt xe và chạy đua với chấm vân tay, nên thường khi đã tới được công ty, yên vị các thủ tục, mở mail, trả lời tin nhắn... lúc nhìn lên thường đã quá 9 giờ, thậm chí 10 giờ, còn hôm nào muộn quá thì tôi gộp bữa sáng vào bữa trưa luôn. Đây là thói quen cực xấu.
Các chuyên gia khuyến cáo nên ăn sáng trước 9 giờ, khoảng thời gian này là lúc axit dạ dày tiết ra mạnh, tiêu thụ thực phẩm vào lúc này sẽ tốt cho dạ dày.
Nếu ăn sáng sau 9 giờ sẽ khiến mất cảm giác ngon miệng vì cơn đói đã đi qua, khiến cho cơ thể không hấp thu được những dưỡng chất có trong thực phẩm, gây rối loạn đồng hồ sinh học trong cơ thể.
3. Ăn sáng bằng thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh
Do tính tiện dụng và không có thói quen nấu ăn vào buổi sáng mà nhiều người lựa chọn ăn các thực phẩm chế biến sẵn trong bữa sáng. Bữa sáng nên được bổ sung đầy đủ các loại chất dinh dưỡng cần thiết.
Tuy nhiên, những loại thực phẩm này đa phần thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất nhưng lại dư thừa năng lượng và chất béo, dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì, làm tăng nguy cơ mắc bệnh về huyết áp, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch…
4. Ăn sáng với đồ nhiều dầu mỡ
Đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ luôn thơm ngon và hấp dẫn khó cưỡng, lấy ví dụ là những chiếc bánh quẩy giòn tan ăn kèm phở. Với những người bận rộn thì họ thường chọn chiên thịt xông khói với bánh mì cho tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, thói quen này lại chính là tác nhân hàng đầu khiến cơ thể sinh bệnh trầm trọng.
Theo một công bố vào tháng 2/2020 trên Tạp chí Dịch tễ học Quốc tế, ăn 25gr đồ xông khói mỗi ngày có thể tăng nguy cơ mắc ung thư trực tràng lên 20%. Bên cạnh đó, đồ ăn sáng chiên dầu bị nấu ở nhiệt độ cao nên thường mất đi hầu hết chất dinh dưỡng vốn có. Chưa kể chúng còn có xu hướng tạo ra các axit béo chuyển hóa cùng chất gây ung thư như benzopyrene.
Tiêu thụ quá nhiều bữa sáng với đồ dầu mỡ dễ gây béo phì, khó tiêu và bệnh tim mạch. Chính vì vậy, giải pháp cho những "tín đồ" yêu thực phẩm chiên là nên ăn với số lượng ít và phải dùng kèm với rau xanh, trái cây nhiều hơn.
5. Ăn/uống nước ép trái cây vào bữa sáng
Với một số phụ nữ thì giảm cân luôn là chuyện phải ghi nhớ hàng ngày. Chính vì thế, họ luôn cố gắng ăn uống dè dặt hết sức để bớt lượng calo nạp vào, trong đó có thói quen uống nước ép trái cây vào bữa sáng. Tuy nhiên, việc này vừa không giúp chị em xuống ký nhanh mà còn khiến bệnh tật "gõ cửa" sớm.
Vào sáng sớm, dạ dày của chúng ta gần như trống rỗng và đang có nhu cầu tiêu hóa thức ăn cao. Lúc này nếu uống nước ép trái cây, hàm lượng axit có trong nước ép sẽ dễ khiến bạn đau dạ dày cũng như ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.
Một nghiên cứu vào tháng 9/2019 trên Tạp chí Diabetes Care còn cho thấy, uống nhiều nước ép trái cây trước bữa sáng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên 16%. Để ngăn chặn tác hại, chị em nên uống sau bữa sáng và tăng cường ăn trái cây nguyên quả, vừa tốt lại còn nạp thêm chất xơ cần cho sắc đẹp.
6. Uống cà phê trước khi ăn sáng, hoặc thay luôn bữa sáng
Cà phê ắt là thức uống quen thuộc với người Việt ta, đi quán nước nào cũng thấy bán. Có một số người "nghiện" đến mức vừa thức dậy buổi sáng đã uống ngay một tách cho bớt thèm, hoặc uống thay cho bữa điểm tâm. Tuy nhiên sau khi nghe xong hậu quả của thói quen này, bạn có thể phải ngỡ ngàng và bỏ sớm vì nó cực kỳ hại.
Theo một nghiên cứu vào tháng 10/2020 của Đại học Bath (Anh) cho thấy, uống cà phê đen ngay khi bụng còn rỗng sẽ tác động xấu đến việc kiểm soát đường huyết, khiến nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường tăng mạnh. Dù cà phê có lợi cho sức khỏe nhưng tốt nhất, bạn hãy để sau khi ăn sáng hãy dùng. Thức uống duy nhất nên dùng sau khi thức giấc chỉ có nước lọc mà thôi.
7. Ăn đồ thừa từ bữa tối hôm qua
Ngày nay vì chi phí vật chất đắt đỏ nên nhiều người phải tiết kiệm từng chút một, đặc biệt là thói quen ăn sáng bằng đồ cũ hôm qua. Tuy nhiên việc thường xuyên ăn đồ thừa như vậy không tốt cho sức khỏe. Thức ăn để qua đêm nếu không được bảo quản đúng cách có thể sinh ra độc tố, thậm chí dẫn đến ngộ độc .
Bữa sáng là thời gian giúp cơ thể bổ sung năng lượng để khởi đầu ngày mới. Chính vì vậy, bạn nên lựa chọn những món ăn đơn giản mà vẫn ngon, nóng hổi thay vì cứ hâm đi hâm lại thực phẩm cũ. Sức khỏe phải đảm bảo thì chúng ta mới học tập và làm việc hiệu quả được.
8. Vừa đi vừa ăn sáng
Vì không có thời gian hoặc dậy muộn nên hầu như ai cũng chọn cách vừa đi vừa ăn, đối tượng thường thấy nhất là nhân viên văn phòng và học sinh. Thực sự thói quen này không có lợi cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là quá trình chuyển hóa và hấp thụ thức ăn. Nó cũng là nguyên nhân làm bạn ăn nhiều và nhanh đói hơn, tạo điều kiện cho bệnh béo phì phát triển.
Bên cạnh đó, đường phố là nơi có quá nhiều bụi bẩn và ô nhiễm, dễ khiến thực phẩm bị nhiễm bẩn và sinh độc. Thay vì cứ vừa đi vừa ăn, bạn hãy mua bữa sáng hoặc mang từ nhà đến văn phòng ngồi ăn cho thoải mái.
(Tổng hợp)
Theo Hoa Chanh (Doanh nghiệp và Tiếp thị)