Bỗng dưng mắc bệnh khi vào... bệnh viện

25/11/2017 07:33:21

Sau khi 4 trẻ sơ sinh tử vong cùng ngày 20.11 do nhiễm khuẩn bệnh viện, hàng chục trẻ sơ sinh khác tại Bệnh viện (BV) Sản Nhi Bắc Ninh đã được phát hiện nhiểm khuẩn nặng liên quan đến nhiễm khuẩn BV, thậm chí nhiều trẻ được phát hiện nhiễm khuẩn đa kháng thuốc. Thực tế, không chỉ trẻ em mà cả người lớn đều có nguy cơ cao nhiễm khuẩn, mắc bệnh khi vào BV.

Trẻ nhiễm khuẩn, bệnh nặng

Hiện đã có 18 trẻ sơ sinh và sau sơ sinh được đang được điều trị tại BV Sản Nhi Bắc Ninh được chuyển về BV Nhi T.Ư (8 bé); BV Phụ sản T.Ư (5 bé), BV Bạch Mai (3 bé).

Đáng nói, qua kiểm tra, xét nghiệm máu, các bác sĩ đã phát hiện ra nhiều trẻ bị nhiễm khuẩn đường máu, trong đó có nhiều trẻ bị nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn đa kháng thuốc, phải điều trị tích cực.

Cụ thể 3 cháu bé chuyển về BV Bạch Mai đều xuất hiện tình trạng tim to, xuất huyết não, bụng trướng, hạ đường máu liên tục, vàng da ứ mật. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, sau khi cấy máu, các bác sĩ phát hiện vi khuẩn đa kháng thuốc trong máu của 1 bệnh nhi. Với 2 bệnh nhi còn lại dù đã qua giai đoạn nguy kịch nhưng vẫn phải theo dõi chức năng sống từng giờ.

Bỗng dưng mắc bệnh khi vào... bệnh viện
 Trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn chuyển về từ BV Sản Nhi Bắc Ninh đang được điều trị tích cực tại BV Bạch Mai ngày 22.11. ảnh: DIệu Linh

PGS-TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, trong số 8 trẻ được chuyển đến BV, có 4 trẻ bị nhiễm khuẩn nặng, phải điều trị cách ly riêng ở một phòng. Kết quả cấy vi khuẩn trong máu của 2 bệnh nhi cho thấy, các cháu nhiễm vi khuẩn kháng thuốc, do đó việc điều trị kháng sinh cũng đang ở phác đồ nặng.

Trước đó, tối 21.11, Hội đồng chuyên môn thành lập sau vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong tại BV Sản Nhi T.Ư ngày 20.11 đã công bố kết luận: 4 trẻ nói trên tử vong do sốc nhiễm khuẩn vì nhiễm khuẩn đường huyết, nghi là nhiễm khuẩn từ môi trường BV.

TS - bác sĩ Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) nhận định, 4 trẻ tử vong do nhiễm khuẩn đường huyết đều là trẻ sơ sinh, chưa được về nhà nên việc nhiễm khuẩn chỉ có thể bị trong bệnh viện. Tuy nhiên, TS Hùng cũng cho biết, nhiễm khuẩn BV là rủi ro không mong muốn và bất khả kháng trong quá trình điều trị bệnh, hoàn toàn không phải là sai sót chuyên môn.

“Nhiễm khuẩn BV là vấn đề của toàn cầu. Với các nước phát triển, điều kiện kinh tế tốt, thì tỷ lệ nhiễm khuẩn BV thấp hơn. Còn ở Việt Nam điều kiện chăm sóc bệnh nhân còn hạn chế, quá tải BV, sử dụng thuốc còn tỳ tiện làm tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn BV”- bác sĩ Hùng nhận định.

Đây không phải lần đầu tiên nhiễm khuẩn BV khiến hàng loạt trẻ bị bệnh nặng, thậm chí tử vong. Cụ thể như dịch sởi năm 2014, tình trạng quá tải BV đã làm gia tăng nhiễm khuẩn BV, lây chéo bệnh, làm hơn 100 trẻ tử vong và nhiều trẻ nguy kịch.

Nhiễm khuẩn – mối lo thường trực

Theo số liệu của Bộ Y tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng có khoảng 10.000 đến 100 triệu mầm bệnh hiện diện trên hai bàn tay, đặc biệt là dưới khe của các móng tay và một số mầm bệnh có thể tồn tại trong nhiều phút thậm chí trong nhiều giờ.  Kiểm tra ngẫu nhiên tại BV Nhi T.Ư (năm 2010): Bàn tay bác sĩ sau khi rửa bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa y tế vẫn còn khoảng 276.376 vi khuẩn, còn khi chưa dùng chất tẩy rửa số vi khuẩn lên tới vài triệu.

PGS Dũng cho hay, vi khuẩn “định cư” ngay trên da của trẻ. Khi trẻ phải tiêm truyền hay can thiệp bằng các thủ thuật, cho thở máy… thì các loại vi khuẩn này sẽ đi theo vào cơ thể và gây nhiễm trùng. Nếu cơ thể bệnh nhi có đề kháng yếu thì sẽ bị nhiễm trùng nặng, thậm chí sốc nhiễm trùng và tử vong.

Theo PGS Dũng, môi trường BV tồn tại rất nhiều vi khuẩn gây bệnh, trong đó có các vi khuẩn kháng thuốc, “nhờn” thuốc. Nếu các vi khuẩn này xâm nhập vào bệnh nhân thì cũng khiến bệnh nhân bị kháng thuốc, việc điều trị vô cùng khó khăn.

Đồng quan điểm, PGS Điển cho rằng, vi khuẩn có ở khắp nơi, trong không khí, trên các dụng cụ y tế, ở trên cơ thể của mọi người nên việc thâm nhập sang người khác là rất dễ dàng. Với trẻ đẻ non hệ miễn dịch yếu, lại trên nền bệnh lý như bệnh tim, suy hô hấp, bệnh down thì nguy cơ nhiễm khuẩn càng lớn. Ngoài ra các em còn chịu nhiều thủ thuật như tiêm truyền phá vỡ hàng rào mạch máu, thở máy đưa không khi từ ngoài vào lồng ngực… Tất cả các kỹ thuật này đều làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Một nghiên cứu của BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư khảo sát trên khoảng gần 4.000 bệnh nhân của 15 khoa Hồi sức tích cực tại 15 BV trên cả nước cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn BV là 27,3%. Các BV tuyến T.Ư có tỷ lệ nhiễm khuẩn BV cao hơn BV tuyến cơ sở. Đáng ngại hơn là trong các vi khuẩn tại BV thì có đến 50-75% vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh đặc trị.

Còn một nghiên cứu khác của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) trên gần 10.000 bệnh nhân tại 10 BV cũng cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV là 5,8% và viêm phổi BV (có liên quan đến nhiễm khuẩn BV) chiếm tới 55,4%.

Theo TS Hùng, để ngừa nhiễm khuẩn, biện pháp đơn giản nhất là rửa tay bằng xà phòng. Còn các cơ sở y tế cũng phải tăng cường các biện pháp chống nhiễm khuẩn. Tại Bạch Mai, BV đã cử người giám sát việc chống nhiễm khuẩn, có hệ thống camera để giám sát việc nhân viên y tế có sát khuẩn bàn tay sau khi khám điều trị cho bệnh nhân hay không. Đồng thời, BV cũng thường xuyên tiệt trùng không khí và nước. Chỉ riêng hệ thống nước, hàng năm, BV Bạch Mai đã phải chi tiền tỷ để bơm khí clo phục vụ tiệt trùng nước. /.

Theo D.Linh (Dân Việt)

Nổi bật