Bóng đè là gì?
Bóng đè thực chất là một hiện tượng có tên chứng liệt do ngủ. Liệt do ngủ xảy ra khi đầu óc bạn tỉnh táo trong lúc ngủ, nhưng cơ thể không thể nhúc nhích.
Chứng liệt do ngủ, hay có cái tên phổ biến là “bóng đè" xảy ra khi một người đang ở giữa ranh giới tỉnh và thức. Bạn không thể di chuyển cơ bắp, mất khả năng nói trong vài giây đến vài phút.
Chứng bóng đè có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng các triệu chứng đầu tiên thường xuất hiện ở trẻ em, thanh thiếu niên hoặc thanh niên (từ 7 - 25 tuổi), và xảy ra thường xuyên hơn ở độ tuổi 20 - 30. Có ước tính cho biết khoảng 8% dân số nói chung bị bóng đè vào một thời điểm trong đời, nhưng không thông kê rõ về tần suất các đợt tái phát.
Dấu hiệu bị bóng đè
Bị bóng đè không phải là một hiện tượng nguy hiểm cần cấp cứu. Thậm chí, nếu bị “bóng đè" vài lần, bạn sẽ làm quen với nó và có thể bình tĩnh, đợi hiện tượng này qua đi.
Đặc điểm của bóng đè là không thể nói hay cử động. Hiện tượng này diễn ra trong vài giây đến khoảng 2 phút cùng các cảm giác khác như:
- Có gì đó đang đè nặng lên người
- Có ai đó đang ở trong phòng
- Sợ hãi
- Hoang tưởng
- Khó thở
- Cảm giác như bạn sắp qua đời
- Đổ mồ hôi
- Đau cơ
- Đau đầu
- Hoang tưởng
Bóng đè có thể tự biến mất, hoặc khi có ai đó chạm hay lay cơ thể bạn. Khi bị bóng đè, bạn vẫn có thể nhận thức về không gian xung quanh nhưng không thể làm gì. Và bạn có thể ghi nhớ từng chi tiết trong quá trình bị bóng đè sau khi trải nghiệm tồi tệ đó kết thúc.
Trong số ít trường hợp, một số người trải qua những cơn ác mộng giống hoang tưởng khiến họ sợ hãi, lo lắng. Nhưng tất cả đều vô hại.
Giải thích của khoa học về bóng đè
Khi bạn ngủ, não trải qua 4 giai đoạn hoạt động khác nhau. Một trong số đó là pha REM (Rapid eye movement) - mắt chuyển động liên tục. Trong pha này, mắt bạn di chuyển theo nhiều hướng khác nhau.
Đa số mọi người sẽ vào pha REM trong 90 phút đầu tiên sau khi ngủ.
Ở pha REM, não sẽ gửi tín hiệu tới thần kinh tuỷ sống, “ngắt kết nối” vận động từ não tới chân tay bạn. Các cơ và dây thần kinh ở tay và chân sẽ hoàn toàn không có khả năng cử động, hiện tượng này được gọi là mất trương lực. Đây là cơ chế kỳ diệu của não bộ, ngăn bạn làm ra những hành động gây thương tích cho bản thân và người xung quanh khi đang mơ ngủ.
Trong pha REM, mọi người cũng trải qua những giấc mơ phong phú do não tăng hoạt động.
Nếu bạn thức tỉnh ngay trong pha REM, khả năng cao bạn sẽ bị bóng đè. Bởi khi bạn tỉnh dậy, não chưa kịp gửi tín hiệu “kết nối” trở lại tới tay và chân. Khiến cho đầu bạn đã bắt đầu tỉnh táo nhưng tay chân trong trạng thái “liệt", không thể cử động.
Vì sao bị bóng đè?
Vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác vì sao bị bóng đè. Các nhà nghiên cứu tin rằng có nhiều yếu tố liên quan đến hiện tượng này, trong đó rõ nhất là rối loạn giấc ngủ và các vấn đề về giấc ngủ khác. Tỷ lệ bị bóng đè cao hơn 38% ở những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Tê liệt trong khi ngủ cũng phổ biến hơn ở những người thường bị chuột rút chân vào ban đêm.
Các triệu chứng mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ và buồn ngủ quá mức vào ban ngày cũng có liên quan đến chứng bóng đè. Những người có nhịp sinh học đảo lộn, chẳng hạn như do đi máy bay hoặc làm việc theo ca, cũng có nguy cơ bị bóng đè cao hơn.
Một số tình trạng sức khỏe tâm thần có mối liên hệ với chứng bóng đè. Những người bị rối loạn lo âu và hoảng sợ có nhiều khả năng gặp phải hiện tượng này hơn. Đặc biệt là những người bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn hoặc đã từng bị lạm dụng tình dục, chịu đựng các đau khổ về thể chất và tinh thần khác. Cai rượu hoặc ngừng dùng thuốc chống trầm cảm cũng có thể khiến bóng đè dễ xuất hiện hơn. Mặc dù không có cơ sở di truyền cụ thể, các nghiên cứu đã phát hiện ra những người có tiền sử gia đình mắc chứng bóng đè cũng có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người có trí tưởng tượng vượt trội và hay sống tách biệt khỏi môi trường xung quanh, chẳng hạn như mơ mộng, có nhiều khả năng bị bóng đè.
Bạn có thể làm gì để hạn chế bị bóng đè
Bạn có thể giảm tần suất bị bóng đè bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt:
- Giảm căng thẳng
- Tập thể dục hàng ngày nhưng không tập trước giờ ngủ
- Nghỉ ngơi đầy đủ
- Duy trì thời gian đi ngủ cố định hàng ngày
- Sử dụng các loại thuốc đúng theo chỉ định nếu bạn đang điều trị bệnh gì
- Biết được các tác dụng phụ hay phản ứng của các loại thuốc khác nhau để đề phòng.
- Ngủ tư thế nằm nghiêng, hạn chế nằm ngửa
- Không ăn no sát giờ đi ngủ
- Hạn chế không dùng caffeine vào buổi tối
- Không dùng điện thoại, máy tính trước giờ ngủ
Nếu bạn đang gặp vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu hay trầm cảm, sử dụng thuốc chống trầm cảm sẽ giảm thiểu tần suất bị bóng đè. Hãy tham khảo tư vấn của bác sĩ Tâm lý trước khi sử dụng thuốc để đạt hiệu quả nhé.
PN (Nguoiduatin.vn)