Liên quan sự việc 18.168 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật Bản do chứa axit benzoic, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cho hay đây là phụ gia được phép sử dụng ở Việt Nam trong một số thực phẩm nhất định.
Theo thông tư quy định về quản lý phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, axit benzoic được phép sử dụng trong tương ớt với hàm lượng 1 g/1kg sản phẩm. Đây cũng là quy định của Ủy ban Codex với axit benzoic.
"Chúng tôi khẳng định các quy định về phụ gia thực phẩm Bộ Y tế ban hành hoàn toàn phù hợp với quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp Quốc (Ủy ban Codex)", bà Nga khẳng định. Ủy ban Codex hiện có 186 thành viên tham gia, trong đó Nhật Bản và Việt Nam.
Trong thương mại thế giới, các tiêu chuẩn về thực phẩm của Ủy ban Codex được lấy làm tham chiếu. Nếu đưa ra một quy định đối với thực phẩm, đáp ứng theo quy định của Ủy ban Codex thì không phải đưa ra các bằng chứng khoa học. Nếu có sự khác biệt, quốc gia đó phải đưa ra bằng chứng khoa học.
"Để các phụ gia thực phẩm có trong danh mục của Ủy ban Codex, phải thông qua ủy ban về thực phẩm, trải qua rất nhiều các bước đánh giá về độ an toàn, hướng dẫn sử dụng rất nghiêm ngặt, thông thường qua 8 bước, kéo dài 5-7 năm, thậm chí cả chục năm", bà Nga cho hay.
Lý giải về việc tại sao Nhật Bản lại không cho dùng phụ gia này trong tương ớt, trong khi nó được phép sử dụng theo quy định của Ủy ban Codex, đại diện Cục An toàn Thực phẩm cho hay tùy theo từng nước, họ có thể đưa ra các quy định khác so với quy định của Codex với điều kiện đưa ra đầy đủ bằng chứng khoa học.
Nguyên tắc để đưa ra các quy chuẩn khoa học về phụ gia thực phẩm có thể dựa vào thói quen sử dụng của người dân. Ví dụ, thực phẩm nào dùng nhiều, mỗi nước sẽ có quy định, tính toán tổng lượng người dân dùng, do đó có sự khác biệt.
"Hiện nay quy định mới nhất của Nhật Bản, axit benzoic cũng được cho phép là phụ gia thực phẩm trong một số nhóm như nước tương, các loại đồ uống không cồn, siro, bơ thực vật, trứng cá,… với hàm lượng khác nhau", bà Nga cho biết thêm.
Bà Nga khẳng định với những chất phụ gia có trong danh mục của Ủy ban Codex được sử dụng với hàm lượng đúng sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe. "Nguyên tắc là phải dùng đúng hàm lượng, đúng đối tượng, tương ứng mỗi nhóm có những hàm lượng khác nhau. Nếu không đúng sẽ có ảnh hưởng tới sức khỏe", bà Nga cho hay.
Ngày 2/4, chính quyền thành phố Osaka, Nhật Bản thông báo về việc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo kết quả phân tích của Viện nghiên cứu Công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong các chai tương ớt Chinsu vừa bị thu hồi ở mức 0,41-0,45 g/kg. Đây là chất cấm sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản. Ở Việt Nam, quy định của Bộ Y tế cũng cho phép sử dụng phụ gia này với nồng độ tối đa 0,1%, tức 1 g/1 lít, 1 g/1 kg.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, đối với con người, khi vào cơ thể, nó tác dụng với glucocol chuyển thành acid purivic không độc, thải ra ngoài.
Liều lượng gây độc ở người là 6 mg/kg thể trọng. Nếu ăn nhiều axit benzoic, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc. Ngoài ra, axit benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết cơ quan này đang làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi 18.168 chai tương ớt Chinsu ở Nhật Bản, cũng như nguồn gốc hàng hóa. Cục An toàn Thực phẩm chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chinsu nhưng chủ động kiểm tra.
Theo Hà Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)