Bộ phận này là trái tim, ngũ tạng thứ 2 của cơ thể: Biết chăm sóc sẽ sống lâu, sống khoẻ

31/12/2020 11:00:59

Trong cơ thể, bàn chân là một bộ phận rất quan trọng nhưng lại ít người quan tâm chăm sóc, giữ ấm.

Bàn chân vị trí cần được chăm sóc hàng ngày

Đại tá Lương Y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, cho hay, lòng bàn chân là vị trí rất quan trọng của cơ thể. Nơi đây tập hợp của các huyệt đạo liên quan tới các cơ quan nội tạng thu nhỏ của cơ thể. Tuy có vị trí quan trọng như lòng bàn chân lại ít được quan tâm chăm sóc.

Trong Đông y, các huyệt đạo ở chân có mối liên hệ mật thiết với các cơ quan nội tạng (gan, thận, dạ dày…) trong cơ thể. Bàn chân còn được ví là trái tim, ngũ tạng thứ hai của cơ thể.

Lương Y Bùi Hồng Minh cho hay, người xưa có câu: "Cây khô thì rễ sẽ hỏng, người già thì chân sẽ yếu trước". Hàm ý của câu nói trên để nhắc phải chăm sóc bàn chân thật cẩn thận. Đặc biệt, khi trời lạnh sâu,việc giữ ấm lòng bàn chân lại càng quan trọng.

Bộ phận này là trái tim, ngũ tạng thứ 2 của cơ thể: Biết chăm sóc sẽ sống lâu, sống khoẻ
Ngâm chân mát xa chân giúp cho máu huyết trong cơ thể dễ lưu thông, ảnh minh hoạ.

Chân được giữ ấm sẽ giúp các cho các cơ quan nội tạng trong cơ thể cũng được bảo vệ. Nếu chân bị thâm nhiễm lạnh, khi huyết không lưu thông thì các cơ quan nội tạng trong cơ thể cũng ảnh hưởng.

"Giữ ấm cho cho bàn chân sẽ giúp cho khí huyết lưu thông tốt, nhờ vậy sẽ giúp ăn ngủ tốt, khoẻ mạnh, sống lâu hơn", Lương Y Bùi Hồng Minh nói.

Tại chân có một số huyệt khác như: huyệt Dũng tuyền, huyệt Nội đình, huyệt Bát phong, huyệt Thái xung, huyệt Thương khâu, huyệt Giải khê… đều là những huyệt quan trọng của cơ thể. Theo đó, cần phải đi tất phù hợp với thời tiết để đôi bàn chân luôn được giữ ấm.

Cách chăm sóc bàn chân như sau: Giữ ấm chân bằng cách đi tất thích hợp theo từng mùa; Ngâm chân bằng nước ấm trước khi đi ngủ mỗi ngày; Xoa bóp bàn chân, các ngón chân để máu lưu thông tốt; Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu; Mỗi ngày dành 5 phút tập luyện thể dục.

Vị Lương y này lưu ý, trong những miền Bắc lạnh sâu, ngoài chăm sóc cho bàn chân cần lưu ý giữ ấm bàn tay, cổ, đầu.

Trời lạnh cần phải giữ ấm bàn chân

Theo TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao, thời tiết lạnh trẻ nhỏ và người cao tuổi dương khí dễ bị tổn hao, đặc biệt là người cao tuổi vì thế cần quàng khăn cổ, đeo găng tay, tất chân, đeo khẩu trang… để bảo vệ vùng mũi, cổ, miệng, tai, gáy, lòng bàn tay, bàn chân.

Ngoài ra, đầu ngón chân còn có huyệt gọi là huyệt tĩnh là nơi khí huyết ra vào, phong hàn tà khí có thể xâm nhập gây ra tình trạng khí huyết bế tắc, không lưu thông được và đau nhức.

Trường hợp bị đau nhức tay, chân dùng dầu (cao) có tính nóng để bôi vào khớp với mục đích chống lại hiện tượng co mạch, làm mạch máu lưu thông và giảm đau.

Có thể dùng cồn, rượu ngâm cùng một số vị thuốc có tính ôn, ấm, cay (tân, ôn, nhiệt) như: quế chi, gừng, địa liền… để xoa bóp, ngâm chườm đắp giúp làm nóng huyệt, khớp để làm lưu thông khí huyết.

Đối với trẻ nhỏ nhiệt độ cơ thể thường rất nóng đó chính là lý do khi ngủ trẻ thường không chịu đắp chăn, ít mặc áo ấm… Tuy nhiên, khi nhiệt độ trẻ em được thải nhiệt ra ngoài sẽ làm bề mặt cơ thể lạnh khiến co mạch, lỗ chân lông hở khiến phong hàn dễ xâm nhập vào cơ thể (bì phu, vệ khí, phế vệ) gây nên cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên, ho ngạt mũi... Vì vậy, vẫn cần giữ ấm cho trẻ ở mức phù hợp.

Theo Ngọc Minh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)