Lấy chồng gia trưởng, sống thiếu công bằng nhất bên trọng nhất bên khinh chính là nỗi ám ảnh lớn nhất của chị em phụ nữ. Mới đây, trong một nhóm kín của hội chị em cũng có 1 người vợ than thở về cuộc sống hôn nhân không mấy đầm ấm bên người chồng vô tâm của mình.
Người vợ tâm sự: "Chồng em cơ bản không gái gú rượu chè nhưng đổi lại sống gia trưởng, vô tâm chắc ít ai sánh bằng. Đặc biệt, anh ấy có tư tưởng trọng nội coi thường ngoại. Điều này khiến em ức chế vô cùng, không ít lần em góp ý mà chẳng ăn thua. Thời gian đầu mới cưới bị stress nặng với kiểu sống áp đặt, thích ra lệnh của chồng. Sau nhiều lần cãi vã to tiếng, nói nhiều anh vẫn không chịu thay đổi. Em chán, tặc lưỡi chấp nhận sống chung với lũ.
Song điều em ghét nhất là anh ấy ăn ở thiếu công bằng giữa hai bên nội ngoại. Bên nội anh rộng rãi xông xênh bao nhiều thì bên ngoại lại tính toán chi li bấy nhiêu. Mỗi lần về thăm, thấy ông bà nội thiếu gì, anh lập tức đi mua ngay, ti vi tủ lạnh hỏng, anh thay đồ mới biếu các cụ. Thế nhưng ngược lại, với nhà ngoại anh hời hợt, lạnh nhạt như không. Thi thoảng vợ chồng về thăm nhà ngoại, em mà biếu các cụ vài trăm là y như rằng lúc về anh cằn nhằn khó chịu bảo em đi lấy chồng phải lo phận nhà chồng. Bên ngoại có anh trai chị dâu em lo.
Nói về phần bố mẹ em, ông bà là công nhân nghỉ hưu, lương tháng của 2 cụ dồn lại được gần 8 triệu, mẹ em lại có gánh hàng khô ngoài chợ nên cũng đủ chi tiêu. Tuy không dư giả gì nhưng các cụ chưa bao giờ phiền lụy con cái. Nói thật, thi thoảng lắm em mới biếu được 5 trăm, 1 triệu thì đổi lại ông bà cũng cho bao nhiêu gà vịt, đồ ăn thức uống, rau dưa các kiểu. Ấy thế mà chồng em có biết đấy là đâu, lúc nào cũng đề phòng bố mẹ vợ bòn rút tiền từ con gái. Thi thoảng đưa lương cho em, anh lại bóng gió: 'Em ăn tiêu cho cẩn thận, đừng kiểu ghi khống lên rồi đưa tiền đi chỗ khác'.
Đợt vừa rồi bố mẹ đẻ em sửa lại bếp. Ông bà còn thiếu 10 triệu gọi điện sang hỏi vợ chồng em có thì cho vay, 1, 2 tháng sau các cụ dồn lương trả. Ban đầu chồng em vòng vo bảo tiền còn phải dồn lấy hàng (chồng em có 1 cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy trên phố). Song sau nghĩ lại thế nào anh lại ậm ừ: 'Thôi thế cũng được nhưng lúc đưa tiền, em phải ghi giấy nợ cho ông bà ký vào. Hẹn rõ ngày trả, không để lâu rồi lại cãi trắng cho xem'.
Ôi, nghe chồng nói tới đây đúng là em sốc hẳn. Biết là trước giờ anh ấy sống tính toán nhưng cũng không thể tưởng tượng được với bố mẹ vợ, anh lại có thể cứ xử như vậy. Ức quá em trả lời lại: 'Sao ngày trước vay tiền bố mẹ em để mở cửa hàng, anh không bảo họ làm giấy ghi nợ. Hơn 300 triệu cho mình mượn là khoản tiền tiết kiệm duy nhất bố mẹ có mà ông bà vẫn rút hết đưa anh. Mà sau cùng họ cho 2 đứa chứ có lấy lại đồng nào không. Vậy mà giờ đến lúc ông bà khó khăn, anh lại quay ra đối xử với họ như thế mà được à?
Anh nên nhớ, anh cũng có con gái. Sẽ thế nào nếu sau này chàng rể của anh đối đãi với nhà vợ như thế?'.
Mặt em đỏ phừng, nói một thôi một hồi rồi bê gối sang phòng con ngủ. Song sáng sau dậy nấu ăn em lại nghe thấy chồng gọi điện hỏi han bố mẹ vợ định sửa sang bếp núc thế nào. Anh báo sẽ biếu ông bà 30 triệu để xây xướng. Em đoán chắc những lời tối qua em nói cũng tác động phần nào với anh nên mới thay đổi như thế".
Trong cuộc sống hôn nhân nếu người chồng biết phân xử công bằng, cùng vợ chăm lo cho bố mẹ hai bên nội ngoại như nhau thì tin rằng bất cứ người vợ nào cũng sẽ cảm kích chấp nhận hi sinh quên mình vì các anh. Ngươc lại khi chồng sống thiếu công bằng với bên nhà ngoại sẽ khiến người vợ ở giữa cảm thấy hụt hẫng, tinh thần bị tổn thương. Khi ấy các anh sẽ khó có thể trách vợ không làm trọn đạo vợ hiền các anh chồng nhé.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)