Khi chồng biết chăm lo cho nhà ngoại thật lòng, chắc chắn vợ các anh cũng sẽ dốc hết tâm sức vun vén cho tổ ấm. Ngược lại, khi các anh đối xử thiếu công bằng với nhà ngoại, phụ nữ sẽ không còn cam tâm hi sinh bản thân vì chồng được mãi.
Cũng vì quá bức xúc với cách ăn ở không đúng mực của chồng mình, mới đây 1 người vợ trẻ đã lên mạng tâm sự:
"Chồng em kiếm ra tiền nhưng sống ích kỷ. Hễ cãi nhau là anh ấy lại nói vợ ăn bám, sống dựa hơi chồng. Trong khi thực tế em cũng đi làm nhưng anh bảo lương em không bằng lương giúp việc, không giúp gì được chồng.
Năm ngoái vợ chồng em mua nhà. Bố mẹ chồng cho 500 triệu, bố mẹ đẻ em không có điều kiện, chỉ mang lên cho 20 triệu. Mặc dù trước mặt ông bà, chồng em nói khéo là 2 đứa lo đủ tiền rồi nhưng khi họ về, anh lại suốt ngày đay nghiến em rằng nhà ngoại mất tư cách, không sánh bằng 1 phần nhà nội. Cho 20 triệu anh cầm làm gì cho mang tiếng. Mặc dù em cũng giải thích cạn lời mà chồng chẳng cho vào tai. Anh ấy biết bố mẹ em có mảnh đất cạnh nhà nên lúc nào cũng vin vào bảo nếu có lòng lo cho con thì ông bà phải bán đất để cho chúng em 1 ít lúc cần".
Lối suy nghĩ hẹp hòi, tính toán của chồng khiến người vợ mệt mỏi. Cô kể, vì hậm hực việc mua nhà bố mẹ vợ không cho nhiều tiền như mong muốn nên anh đối với nhà vợ cứ mỗi ngày 1 lạnh nhạt. Thậm chí bố mẹ vợ ốm, anh cũng không hỏi han. Vợ nhắc thì anh còn nói lại rằng "họ sống sao hưởng vậy". Điều này khiến cô ức chế và thất vọng về chồng vô cùng.
"Cách đây hơn tháng, mẹ em ốm, bố đưa mẹ lên thành phố khám bệnh. Cũng may mẹ em chỉ bị suy nhược cơ thể chứ không bị bệnh gì nghiêm trọng. Ông bà khám xong, em đón về nhà ở vài hôm. Chồng em thấy bố mẹ tới ở khó chịu lắm. Từ hôm ông bà vào, anh ấy toàn đi tới 11, 12h đêm mới về. Em nhắc anh về sớm để ăn cùng bố mẹ bữa cơm cho các cụ vui thì anh ấy gắt: 'Vui vẻ gì, nên nhớ tôi không chào đón người nhà cô đâu'.
Có bố mẹ, em sợ vợ chồng to tiếng ông bà biết lại chạnh lòng nên cố nhịn. Hôm sau bố mẹ em về, anh đi làm về bảo: 'Lần sau cô đừng có tự tiện gọi người nhà cô lên đây. Nhà này họ đóng góp cho được đồng nào mà tới ở tự nhiên thế. Tôi nhắc lại lần cuối, nhà tôi mua không phải cái chợ nên cấm người nhà cô được phép ra vào tùy tiện'.
Mặc dù trước nay em đều biết chồng mình ích kỷ, phân biệt nhà ngoại nhưng thái độ khi đó của anh ấy đúng là không thể chấp nhận nổi. Không nín nhịn thêm, em về phòng rút ví 3 triệu đặt xuống bàn bảo: 'Đây, tôi trả tiền nhà ở mấy ngày qua của bố mẹ tôi cho anh, coi như họ thuê 1 phòng của nhà anh. Mỗi ngày 1 triệu, tương đương với khách sạn rồi đó. Từ nay coi như anh với bố mẹ tôi không còn liên quan tới nhau. Ngày mai tôi sẽ viết đơn, chúng ta ra tòa. Anh cứ ôm nhà này mà sống 1 mình cho sung sướng, hãnh diện. Chẳng ai ra vào nhà của anh nữa đâu'.
Thái độ dứt khoát của em khiến chồng đủ hiểu vợ mình không dằn dỗi hay dọa nạt gì. Hôm sau em đưa đơn ly hôn đúng như những gì đã nói nhưng anh ấy không kí, bảo em điên. Hai đứa chiến tranh lạnh gần 1 tháng. Sau đó chồng em phải xuống nước nhận sai thì em mới thôi".
Sống với người chồng quá vô tâm, bất cứ người vợ nào cũng đều mệt mỏi. Khi không còn có thể bao dung được hơn, họ sẽ vùng lên khi ấy tổ ấm gia đình sẽ đổ vỡ không đường cứu vãn. Vậy nên mày râu đừng bao giờ thử thách sức chịu đựng của bạn đời mình. Hãy lưu tâm, hiểu cho suy nghĩ của vợ 1 chút, chắc chắn các anh không bao giờ phải chịu thiệt.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)