Bộ mặt thật của trà giảm cân

22/02/2019 09:10:42

"Uống trà giảm 4-10 kg chỉ sau chưa đầy một tháng, thành phần 100% từ thiên nhiên, còn giúp thải độc gan", sự thật đằng sau những lời quảng cáo như "thần dược" này là gì?

Thử tìm kiếm trên công cụ Google, bạn sẽ thấy hàng trăm loại sản phẩm có tác dụng giảm cân. Rất nhiều trong số chúng đã bị các cơ quan thẩm quyền trên thế giới cho vào danh sách hàng bất hợp pháp vì có chứa các chất cấm, đặc biệt là Sibutramine.

Vì sao Sibutramine lại là "cái tên" liên tục được nhắc đến khi cơ quan chức năng ra quyết định thu hồi sản phẩm trà giảm cân. Chất này đóng vai trò như thế nào? Những giấy chứng nhận, kiểm định được các đại lý bán trà giảm cân đưa ra có đáng tin? Liệu có loại thực phẩm chức năng nào vừa giúp giảm cân, vừa an toàn cho sức khỏe?

Zing.vn xin đăng tải bài viết của TS Nguyễn Hồng Vũ, tiến sĩ về Sinh học phân tử trong y học, nghiên cứu viên sau tiến sĩ (Staff Scientist), Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím, để giải đáp phần nào những thắc mắc này.

Dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo, thu hồi nhưng nhiều sản phẩm trà giảm cân chứa sibutramine (chất độc có thể gây bệnh tâm thần) vẫn bán tràn lan trên thị trường online.

Nữ bệnh nhân nguy kịch vì Sibutramine 

Năm 2015, một ca ngộ độc Sibutramine do sử dụng thực phẩm chức năng giảm cân ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được ghi nhận lại trên tạp chí chuyên ngành về y khoa.

Bệnh nhân nữ, 17 tuổi, được đưa đến trung tâm cấp cứu lúc 2h30 phút sáng với tình trạng tim đập nhanh, chóng mặt, giãn đồng tử. Cô không hề có tiền sử bệnh, chưa từng phẫu thuật, cũng không có ghi nhận sử dụng chất kích thích.

Cô gái này cho hay đã mua và sử dụng một loại thực phẩm chức năng giảm cân trên mạng có tên là La Jiao Shou Shen. Trước đó 24 tiếng, cô uống vài viên trước khi phải đến phòng cấp cứu.

Đến phòng cấp cứu muộn, các bác sĩ không thể tiến hành rửa bao tử cho bệnh nhân. Bác sĩ đã quyết định điều trị hỗ trợ cho cô bằng cách truyền nước biển và tiêm thuốc diazepam để giảm triệu chứng hồi hộp, lo lắng. 12 tiếng ở phòng cấp cứu, rất may, cô đã qua cơn nguy kịch và được xuất viện kèm theo khuyến cáo của bác sĩ "không bao giờ uống loại thuốc đó lần nữa".

Một báo cáo được đăng trên tạp chí chuyên ngành năm 2015 thống kê ở Mỹ, khoảng 4.600 người phải đến phòng cấp cứu mỗi năm vì liên quan đến tim mạch (thường là đau ngực và tim đập mạnh) do liên quan đến các chất có trong thành phần các thực phẩm chức năng làm giảm cân.

Dù không thông dụng như Sibutramine nhưng một loại chất cấm khác cũng thường được tìm thấy trong các sản phẩm giảm cân là Phenolphthalein với mục đích tăng sự bài tiết đường ruột. Chất này đã từng được sử dụng trong điều trị táo bón dựa trên khả năng tương tác trực tiếp với màng nhầy của ruột dẫn đến kích thích sự co bóp để đẩy phân ra ngoài. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy Phenolphthalein có khả năng gây ung thư. Bởi vậy, từ năm 1999, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấm lưu hành các loại thuốc điều trị táo bón có chứa chất này khi mua không cần bác sĩ kê đơn.

Năm 2000, Phenolphthalein chính thức được đưa vào danh mục các chất có khả năng gây ung thư trên người trong bảng báo cáo về các chất gây ung thư (Report on Carcinogens 9th Edition) của chương trình quốc gia về chất độc (National Toxicity Program). Theo thông tin của FDA, hiện nay Phenolphthalein không có trong thành phần hoạt tính của bất cứ thuốc nào đang được sử dụng ở Mỹ.

Bộ mặt thật của trà giảm cân
Một loại trà giảm cân vừa bị FDA cảnh báo vì chứa chất cấm vẫn bán công khai trên mạng xã hội ở Việt Nam.

Dựa trên các thông tin khoa học, hiện nay chưa có loại thực phẩm chức năng hoặc trà thảo dược nào được chứng minh có thể sử dụng với mục đích làm giảm cân. Biện pháp giảm cân khoa học, an toàn nhất hiện nay là tập thể dục và không ăn quá nhu cầu cần thiết của cơ thể.

Do vậy, các loại trà giảm cân bán trên thị trường thường cho thêm chất cấm để tạo hiệu quả giảm cân nhưng ẩn chứa những nguy hiểm chết người trong đó.

Tại sao cần có Sibutramine trong sản phẩm giảm cân?

Ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin, số lượng người sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube, gia tăng vượt bậc. Điều này càng làm khó khăn hơn trong công tác quản lý các sản phẩm này khi các đại lý, người bán hàng không có cơ sở kinh doanh cố định và buôn bán tự do thông qua các nhóm, hội trên mạng.

Trường hợp của trà giảm cân Golean detox gần đây là một ví dụ cụ thể. Sản phẩm này đã bị khuyến cáo và thu hồi bởi nhiều tổ chức chính phủ trên thế giới như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ và Việt Nam vì chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphthalein. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn đang được quảng cáo và bán tràn lan trên mạng xã hội, đem đến những nguy hiểm khôn lường cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Đa số sản phẩm trà hoặc thực phẩm chức năng quảng cáo có tác dụng giảm cân bị các cơ quan chức năng trên thế giới cấm lưu hành hoặc thu hồi, đều có sự hiện diện của chất Sibutramine. Lý do chất này có trong một số loại trà giảm cân vì chúng đem lại hiệu quả tức thì.

Bộ mặt thật của trà giảm cân - 1
TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia, City of Hope, California, USA, Ảnh: Ruybangtim

Sibutramine với tên thương mại là Meridia đã từng được FDA cấp phép vào tháng 11/1997 để sử dụng làm thuốc giảm cân trong điều trị bệnh béo phì với liều sử dụng từ 5-15 mg mỗi ngày. Cơ chế làm giảm cân của chất này được giải thích là do chức năng ức chế sự tương tác của các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, noradrenaline với hệ thần kinh trung ương dẫn đến cảm giác chán ăn và tăng sự tiêu thụ năng lượng trong cơ thể.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Sibutramine đến sự tương tác của các chất dẫn truyền thần kinh với vùng dưới đồi trong não đã gây một số các phản ứng phụ như khô miệng, nhức đầu, mất ngủ, suy nhược, táo bón và trong nhiều trường hợp còn bị triệu chứng hay quên. Ngoài ra, phản ứng phụ nguy hiểm hơn của Sibutramine là ảnh hưởng đến tim mạch.

Việc sử dụng Sibutramine có thể làm thay đổi huyết áp với tâm thu (lực tim co) và tâm trương (lực tim giãn nở) từ 2-20 mmHg (milimet thủy ngân), tăng nhịp tim đập từ 3-20 lần trong một phút. Do vậy, chất này có thể gây nguy hiểm cho những người có tiền sử bệnh về động mạch vành, đau tim, loạn nhịp tim hoặc đột quỵ. Ngoài ra, Sibutramine cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác mà người dùng đang sử dụng, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng.

Với các phản ứng phụ nguy hiểm, đặc biệt là về tim mạch, FDA đã đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ vào tháng 10/2010 loại Sibutramine ra khỏi thị trường vì lý do an toàn.

Giấy kiểm nghiệm, chứng nhận về sản phẩm giảm cân có đáng tin cậy?

Những giấy kiểm nghiệm về sản phẩm có tác dụng giảm cân được đưa ra từ công ty không chứng minh được tính khách quan khi đơn vị gửi mẫu chính là đơn vị sản xuất. Vì vậy, không thể đảm bảo mẫu này có thực sự đại diện cho sản phẩm xuất ra thị trường, đến tay người tiêu dùng hay không.

Trong khi đó, các cơ quan/tổ chức của chính phủ như cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ (FDA) hoạt động nhằm mục đích bảo đảm các sản phẩm này đang lưu hành trên thị trường an toàn cho người sử dụng. Họ không có bất cứ mâu thuẫn quyền lợi nào với các bên kinh doanh. Trong các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm trên thế giới, FDA có độ tin tưởng cao và tầm ảnh hưởng mạnh nhất.

Ở đa số quốc gia trên thế giới, các sản phẩm về hỗ trợ sức khỏe như thực phẩm chức năng hoặc có nguồn gốc thảo dược không bị quản lý chặt chẽ trước khi bán ra thị trường bởi các tổ chức/cơ quan chính phủ.

Ví dụ, sản phẩm sau khi được lưu hành trên thị trường, nếu FDA nghi ngờ chúng có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng sẽ bị các cơ quan này kiểm tra chất lượng bằng cách thu mẫu và phân tích trong phòng thí nghiệm.

Nếu kết quả có chứa chất cấm, thành phần thuốc cần chỉ định của bác sĩ hoặc các chất có khả năng gây hại, các tổ chức này sẽ đưa ra khuyến cáo cho người tiêu dùng, thậm chí yêu cầu công ty thu hồi sản phẩm khỏi thị trường.

Với trường hợp trà thảo mộc giảm cân Golean Detox, ngoài FDA của Mỹ, các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm khác ở Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và thậm chí Cục Quản lý Dược của Việt Nam cũng đã đưa ra khuyến cáo tương tự. Tuy nhiên, hiện tại Golean Detox và nhiều loại trà giảm cân khác dù bị thu hồi, cấm lưu hành nhưng đến nay vẫn được bán tràn lan.

Trao đổi với người bán các loại trà giảm cân đã bị thu hồi, họ đều khẳng định sản phẩm rất an toàn, thành phần hoàn toàn từ thảo dược thiên nhiên.

Trong trường hợp của trà Golean Detox, khi đã có quá nhiều báo cáo dương tính với Sibutramine và Phenolthalein ở nhiều nước, cơ quan chức năng Việt Nam cần làm mạnh tay hơn với công ty sản xuất để tìm ra nguồn nhiễm những chất này và tăng cường kiểm tra nhiều lô hàng khác một cách khách quan, trung thực, đưa ra quyết định thu hồi ngay nếu phát hiện thêm những lô hàng khác chứa chất cấm.

Việc nâng cao nhận thức, thông tin đầy đủ cho người dân là rất quan trọng để họ có thể tự bảo vệ mình trước những sản phẩm nguy hiểm đang tràn lan trên thị trường với những lời quảng cáo “có cánh”. Ngoài sản phẩm Golean Detox, các loại trà hoặc thực phẩm giảm giảm cân khác đang lưu hành trên thị trường Việt Nam nên được quản lý và kiểm tra chặt chẽ để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Theo Nguyễn Hồng Vũ (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật