Theo Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2017, cả nước có hơn 220.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó, số người nghiện ma túy tổng hợp đang gia tăng rất nhanh.
Theo số liệu báo cáo từ 21 địa phương có thống kê, phân loại, số người sử dụng ma túy tổng hợp là hơn 15.000 người, chiếm 46% số người sử dụng ma túy. Đặc biệt, có một số địa phương có tỉ lệ trên 80% như Trà Vinh 90,7%; Đà Nẵng 86%; Quảng Trị 84%...
Các loại ma túy tổng hợp phổ biến nhất gồm Methamphetamin, Estasy, Ketamine với các tên lóng như: Đá, thuốc lắc, viên nữ hoàng, ngọc điên, yaba... Những loại ma túy này có thể hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hoá, đường gan. Ở liều thấp có thể gây vã mồ hôi, run, đau ngực, liều cao gây co giật, xuất huyết nội sọ, tăng huyết áp, làm người dùng kích động và lo sợ, lú lẫn, hoang tưởng, ảo giác.
Với các trường hợp dùng quá liều, người dùng sẽ bị kích động, run, tăng nhịp tim, có hành vi tấn công, lú lẫn, ảo giác, tiêu cơ vân, co giật, hôn mê và tử vong.
Riêng ma tuý đá (Methamphetamine), nghiên cứu cho thấy, hầu hết bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm và lo âu (48-58%). Một số người nghiện có biểu hiện triệu chứng loạn thần (28-36,8%), bao gồm hoang tưởng bị truy hại (77,4%), và ảo thính (44,6%).
Đáng lưu ý, khi dùng phối hợp với chất dạng thuốc phiện, methamphetamine có thể tăng ý tưởng hoặc kế hoạch tự sát lên 2-11%.
Sử dụng ma túy đá khi mang thai có thể gây dị dạng thai và sẩy thai. Bào thai sống sót có nguy cơ cao bị đẻ non, thiếu cân, hoặc trẻ bị hội chứng cai hoặc dễ mệt mỏi.
Khi sử dụng ma túy tổng hợp nói chung, người dùng thường trải qua giai đoạn từ hưng phấn ban đầu đến khoái cảm, sử dụng mất kiểm soát, giai đoạn chuyển tiếp, suy sụp, trở lại bình thường. Trong đó, giai đoạn chuyển tiếp và giai đoạn trạng thái cai đặc biệt nguy hiểm.
Ở giai đoạn chuyển tiếp, người dùng có tâm trạng buồn bã, trống rỗng, là thời điểm dễ xuất hiện hành động khó lường như bạo lực, ảo giác và hoang tưởng. Người bệnh có thể mất ngủ liên tục tới 3-15 ngày, hoàn toàn sống trong thế giới riêng của mình, nhìn thấy và nghe những điều mà những người khác không cảm nhận được. Họ có thể cảm thấy bị đe dọa, dẫn tới thái độ thù địch, dễ gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.
Trong khi đó ở giai đoạn trạng thái cai, kéo dài từ 1-3 tháng, người dùng chán nản, thiếu năng lượng, không cảm nhận được niềm vui, cơn thèm ma túy có thể trở lại bất ngờ, kết hợp cảm giác trầm cảm nên dễ dẫn đến tự sát.
Theo phác đồ mới ban hành của Bộ Y tế, để điều trị cho người dùng ma túy tổng hợp, cần can thiệp bằng thuốc và điều trị tâm lý, xã hội.
Tuy nhiên đến nay, chưa thuốc nào được Cục An toàn thực phẩm và Thuốc của Hoa Kỳ thông qua trong vấn đề điều trị nghiện ma túy đá.
Một số nghiên cứu về hiệu quả điều trị với ma túy tổng hợp nói chung còn hạn chế và cỡ mãu nhỏ, song một số loại thuốc như D-amphetamine, methylphenidate, bupropion, mirtazapine và naltrexone có thể làm giảm lượng ma túy sử dụng.
Trường hợp bị loạn thần do ngáo đá, bác sĩ có thể sử dụng các thuốc chống loạn thần. Hiện nay, các thuốc chống loạn thần thế hệ mới ít gây ra các triệu chứng ngoại tháp hơn so với các thuốc cũ.
Với phương pháp điều trị tâm lý, xã hội, bác sĩ sẽ hỗ trợ bệnh nhân tập trung vào những điểm tốt của bản thân, vượt qua sự kỳ thị từ bên ngoài và tự kỳ thị, giúp bệnh nhân hiểu methamphetamine gây hại, giúp bệnh nhân thiết lập mục tiêu cuộc sống và đưa các hoạt động có ý nghĩa để thay thế việc sử dụng.
Ngoài ra, vấn đề công ăn việc làm, tình trạng kinh tế, xã hội và hôn nhân của bệnh nhân là rất quan trọng. Chuyên gia trị liệu cần làm việc với cán bộ xã hội hoặc gia đình, cơ quan liên quan và với bản thân bệnh nhân để cải thiện các vấn đề trên.
Bộ Y tế khẳng định, rối loạn sử dụng chất là một bệnh lý phức tạp nhưng có thể điều trị được. Các can thiệp cần tuân thủ nguyên tắc điều trị.
Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)