Biến thể COVID-19 mới có 9 đột biến bất thường: Nguy hiểm sao?

05/07/2022 07:30:00

Biến thể COVID-19 mới, được xác định là BA.2.75 và có 9 đột biến bất thường trên protein gai, đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Jerusalem Post đưa tin, biến thể COVID-19 mới, được xác định là BA.2.75, lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ vào đầu tháng Sáu. Kể từ đó, biến thể này đã được tìm thấy tại Australia, Canada, Nhật Bản, Đức, New Zealand, Vương quốc Anh và Mỹ.

Số lượng đột biến và khả năng lây lan dường như nhanh chóng của nó tại một số khu vực địa lý rộng lớn đã khiến các nhà khoa học quan tâm.

Biến thể COVID-19 mới có 9 đột biến bất thường: Nguy hiểm sao?
Ảnh minh họa: Reuters.

Tiến sĩ Shay Fleishon, thành viên Phòng thí nghiệm Virus tại Trung tâm Y tế Sheba ở Tel Hashomer (Israel), gọi đây là biến chủng "đáng báo động". Tuy nhiên, ông cho rằng còn quá sớm để dự đoán liệu đây có phải là "biến chủng thống trị tiếp theo" hay không.

Liên quan đến sự xuất hiện của chủng COVID-19 mới, theo FirstPost, trên Twitter, Thomas Peacock, một nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London (Anh), cũng nhấn mạnh rằng biến thể BA.2.75 cần được "theo dõi kỹ".

Trong số các đột biến của BA.2.75, "G446S" và "R493Q" là mối quan tâm đặc biệt, vì nó mang lại cho biến thể này khả năng né tránh một số kháng thể. Điều này cho phép biến thể lây nhiễm sang những người đã được tiêm phòng hoặc đã bị nhiễm bệnh trước đó.

Bloom Lab thuộc Viện nghiên cứu Fred Hutch ở Mỹ cũng cho rằng BA.2.75 "đáng theo dõi, vì nó có sự thay đổi kháng nguyên đáng kể so với chủng BA.2 gốc".

"G446S là một trong những vị trí mạnh nhất để thoát khỏi các kháng thể được tạo ra bởi các vắc xin hiện tại vẫn trung hòa BA.2. Tuy nhiên, G446S sẽ ít ảnh hưởng hơn đến kháng thể của những người bị nhiễm đột phá BA.1 trước. Do đó, lợi thế kháng nguyên của BA.2.75 so với BA.2 sẽ rõ ràng nhất ở những người chưa từng nhiễm BA.1", Bloom Lab nhấn mạnh.

Trong khi đó, đột biến R493Q dường như làm tăng khả năng của virus gắn vào ACE2 - protein mà virus COVID sử dụng để xâm nhập vào tế bào.

Theo An An (Kienthuc.net.vn)