Bia và hải sản: Ngon miệng nhưng nguy cơ gây căn bệnh đau đớn

29/05/2023 10:06:37

Trong bia và hải sản có nhiều chất purin, nếu ăn quá nhiều sẽ dẫn đến mắc bệnh gout.

Bệnh gout (còn gọi là gút hay thống phong) là một dạng viêm khớp phổ biến. Người bệnh thường phải chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối kèm theo sưng đó. Một số trường hợp nặng thậm chí không đi lại được.

Nguyên nhân của bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin trong thận, khiến thận không thể lọc axit uric trong máu. Nồng độ axit uric quá cao sẽ dẫn tới hình thành những tinh thể urat của axit uric, tập trung ở khớp và gây viêm sưng.

Bia và hải sản: Ngon miệng nhưng nguy cơ gây căn bệnh đau đớn
Ăn quá nhiều hải sản và uống bia không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa: MF

Các bữa ăn kết hợp hải sản và bia là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới bệnh gout do cả hai loại thực phẩm đều chứa nhiều purin. Việc hấp thụ quá nhiều purin khiến thận quá tải, không đào thải hết sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa purin, từ đó làm tăng axit uric.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Trung Quốc, dưới đây là các cách để phòng ngừa bệnh gout: 

Giảm lượng thức ăn chứa purin

Khi mọi người uống bia và ăn thịt nướng, nồng độ axit uric tăng lên nhanh chóng, dễ gây ra bệnh gout. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng bệnh nhân gout nên tránh ăn nhiều thực phẩm có purin ở mức trung bình như đậu nành, lạc. 100g lạc chứa 50-100mg purin, 100g đậu nành chứa 27mg purin. 

Ăn nhiều hải sản, nội tạng với bia cũng không tốt cho cơ thể vì các thành phần này đều chứa lượng purin cao. Khi mọi người uống bia, cồn sẽ chuyển hóa thành axit lactic, làm giảm khả năng bài tiết axit uric của thận.

Tránh đồ uống hoặc món tráng miệng có đường

Hầu hết các loại tráng miệng đều chứa nhiều đường fructose. Khi một lượng lớn đường fructose nạp vào cơ thể sẽ làm tăng đáng kể nồng độ axit uric trong thời gian ngắn. 

Đồng thời, đường fructose cũng sẽ làm giảm quá trình bài tiết axit uric của thận. Đối với bệnh nhân gout, đường là yếu tố không tốt thứ hai sau chế độ ăn nhiều purine. Tương tự như vậy là đồ uống có đường fructose cũng gây nhiều tác hại đối với cơ thể.

Bia và hải sản: Ngon miệng nhưng nguy cơ gây căn bệnh đau đớn - 1
Mọi người nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Ảnh: Fmchealth

Uống đủ nước đun sôi để nguội

Mọi người, đặc biệt là bệnh nhân gout, nên uống đủ nước đun sôi để nguội, tối đa 2 lít mỗi ngày. Những người bị sỏi thận nên uống 3 lít. 

Vào mùa hè nóng nực, chúng ta thường ra nhiều mồ hôi. Uống không đủ nước sẽ gây cô đặc máu và tăng nồng độ axit uric. Hấp thụ ít nước cũng dẫn đến lượng nước tiểu và bài tiết axit uric ít hơn, có thể gây ra cơn gout cấp. 

Bệnh nhân gout nên uống nhiều nước để thúc đẩy quá trình đào thải axit uric ra ngoài, tránh hình thành sỏi.

Chọn thực phẩm ít purin và giữ chế độ ăn uống cân bằng

Để tránh bị gout tái phát, một số bệnh nhân kiểm soát chế độ ăn uống quá khắt khe, tránh xa các thực phẩm có nguồn gốc động vật như cá, thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa. Điều này không chỉ khó áp dụng mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống, dẫn đến suy dinh dưỡng.

Đối với bệnh nhân gout, không phải ăn càng ít càng tốt mà là ăn thực phẩm ít purin, cố gắng duy trì cân bằng dinh dưỡng và kiểm soát tổng lượng calo. Sữa và trứng là thực phẩm ít purin, chứa protein chất lượng cao giàu axit amin thiết yếu.

Dùng điều hòa đúng cách

Người bệnh gout không nên ở trong phòng điều hòa quá lâu vào mùa hè. Nguy cơ mắc và trở nặng bệnh gout tăng cao nếu nhiệt độ điều hòa trong nhà quá thấp hoặc để gió quá mạnh. Urat dễ kết tủa tinh thể trong môi trường nhiệt độ thấp, chúng sẽ lắng đọng quanh khớp và gây viêm khớp.

Không đặt nhiệt độ trong phòng quá thấp, cố gắng giữ ở mức 26 - 27 độ C, đồng thời đảm bảo chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời không quá lớn. Tốt nhất nên tắt điều hòa nửa tiếng trước khi ra khỏi phòng. 

Theo An Yên (VietNamNet)

 

Nổi bật