Bệnh tay chân miệng: Biến chứng gây tử vong ở trẻ em cha mẹ không thể bỏ qua

02/10/2018 19:02:38

Chỉ tính riêng 2 tháng vừa qua, số ca nhiễm bệnh tay chân miệng tại TP.HCM đã tăng mạnh, với sự xuất hiện trở lại của vi rút Enterovirus 71 có thể gây biến chứng nguy hiểm. Phụ huynh cần nắm được những dấu hiệu của biến chứng để có thể xử lý kịp thời.

Những con số cảnh báo kinh hoàng

Theo thống kê của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy từ đầu năm đến nay, đã có 6 trẻ em tại khu vực phía Nam tử vong do bệnh tay chân miệng. 

Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP. HCM nêu rõ các ca bệnh có xu hướng tăng trong tháng 8 và tháng 9 với hơn 200 ca nhập viện mỗi tuần, có những tuần gần 300 ca, tăng 47% so với các tháng trước đó. 

Tổng số ca bệnh nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng của thành phố hiện là 3.200 ca và 15.500 ca điều trị ngoại trú.

Bệnh tay chân miệng: Biến chứng gây tử vong ở trẻ em cha mẹ không thể bỏ qua
Số ca mắc bệnh tay chân miệng tại TP.HCM tăng đột biến.

Các chuyên gia đánh giá tháng 8, tháng 9 hàng năm là thời điểm gia tăng số ca tay chân miệng theo mùa. Tuy nhiên, mùa dịch bệnh năm nay đã có sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus 71 – chủng virus đã làm bùng phát dịch tay chân miệng trên cả nước vào năm 2011, với hơn 150 trường hợp tử vong, trong đó có 30 ca tại TP.HCM . Đây được xem là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh chóng tại các tỉnh thành trong cả nước trong đó có TP.HCM trong những tuần gần đây.

Bệnh tay chân miệng là một bệnh lây do một nhóm vi rút đường ruột gây nên, có thể phát triển thành dịch. Dịch tay chân miệng ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện vào mùa hè và cuối năm, rất dễ lây lan trong môi trường đông người, có thể gây biến chứng co giật, suy hô hấp, phù phổi và nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Bệnh tay chân miệng: Biến chứng gây tử vong ở trẻ em cha mẹ không thể bỏ qua - 1
Sở dĩ như vậy là do bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc.

Các triệu chứng bệnh tay chân miệng thường bắt đầu bằng sốt, giảm cảm giác ngon miệng, đau họng, và mệt mỏi. Một hoặc hai ngày sau khi bắt đầu sốt, những vết lở loét có thể xuất hiện trong miệng. Những vết đốm đỏ mọng nước bắt đầu nổi dạng ban trên da ở tay và chân, có thể cả trên đầu gối, khuỷu tay và mông bé. Phát ban này có thể có mủ nhưng thường sẽ không bị ngứa.

Đa số các trường hợp nhiễm bệnh sẽ tự khỏi, nhưng nếu nguyên nhân gây bệnh là do Enterovirus 71 thì có thể có biến chứng nặng và thậm chí dẫn đến tử vong (do viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi...). Điều nguy hiểm là nếu các biến chứng không được phát hiện sớm để can thiệp kịp thời thì bệnh có thể diễn tiến rất nhanh và gây tử vong có thể chỉ trong vòng 24 giờ.

Biểu hiện, biến chứng gây tử vong ở trẻ em cha mẹ cần hết sức đề phòng

Bệnh tay chân miệng có thể gây ra các biến chứng về thần kinh, hô hấp và tim mạch. Về thần kinh trẻ có những biểu hiện sau:

Bệnh tay chân miệng: Biến chứng gây tử vong ở trẻ em cha mẹ không thể bỏ qua - 2
Loét miệng là một trong những dấu hiệu của biến chứng tay chân miệng

- Thay đổi tri giác: vật vã, bứt rứt, chới với, hốt hoảng, li bì, ngủ gà, co giật, hôn mê

- Run chi, giật mình, rung giật khi ngủ, loạng choạng, rung giật nhãn cầu.

- Yếu chi, liệt mặt...

Về hô hấp, trẻ sẽ thở khó, thở mệt, thở nhanh, còn về tim mạch trẻ sẽ có: mạch nhanh hoặc chậm, huyết áp tăng sau đó tụt. Vì mức độ nặng khác nhau nên bệnh được phân thành 4 độ:

- Độ 1: Loét miệng và hoặc sang thương tổn da.

- Độ 2: Bắt đầu có biến chứng thần kinh.

- Độ 3: Biến chứng nặng về thần kinh, hô hấp, tim mạch.

- Độ 4: Biến chứng rất nặng khó hồi phục.

Mức độ 1, bệnh nhi có thể được điều trị tại nhà. Từ độ 2 trở đi, bệnh nhi cần phải được nhập viện điều trị. Việc quan trọng là chúng ta cần phát hiện sớm các dấu hiện của biến chứng nhằm kịp thời đưa trẻ đi khám và điều trị.

Phải làm gì để phòng bệnh chân tay miệng?

Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ,

Với trẻ em, các phụ huynh không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Các gia đình cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Theo Minh Khôi - Minh Ngọc (Thời Đại)

Nổi bật