Các nhà nghiên cứu tại Đại học Feevale đã đưa ra phát hiện này sau khi xem xét dữ liệu của 90 người bệnh ở Rio Grande do Sul, miền nam Brazil.
Một bệnh nhân có kết quả dương tính với hai chủng virus nCoV Brazil tiến hóa riêng biệt ở các trạng thái khác nhau, được gọi là P.1 và P.2. Chủng P.1 đang gây lo lắng vì có phần nào đó kháng vắc xin.
Một bệnh nhân khác có kết quả dương tính với P.2 và chủng B.1.91, lần đầu tiên xuất hiện ở Thụy Điển.
Fernando Spilki, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết ông lo sợ hiện tượng nhiễm kép này sẽ tạo ra các biến thể mới nhanh hơn.
Tiến sĩ John McCauley, Giám đốc Trung tâm Cúm Toàn cầu tại Viện Francis Crick (Anh), cảnh báo về mặt sinh học, hai chủng virus có thể giao thoa và hoán đổi mã di truyền.
Brazil đang ở giữa đợt Covid thứ hai với hơn 1.000 người chết mỗi ngày và có số người chết cao thứ hai trên toàn thế giới. Ít nhất hai biến thể được phát hiện lần đầu ở đây.
Tiến sĩ Julian Tang, Đại học Leicester (Anh), cho biết, việc hai chủng virus lây nhiễm cho cùng một người là điều không hiếm gặp.
"Hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp một em bé bị nhiễm một biến thể và anh, chị của bé bị nhiễm một biến thể khác. Hai đứa trẻ có thể lây nhiễm chéo cho nhau và cho bố mẹ”, tiến sĩ Tang nói.
Tuy nhiên, Giáo sư Lawrence Young, Đại học Warwick, lại nhận định, khó có khả năng hai chủng Covid-19 có thể lây nhiễm vào một tế bào cùng một lúc.
“Nếu một virus xâm nhập và chiếm lấy tế bào, rất khó để một virus khác xâm nhập vào”, Giáo sư Young nói.
Các biến thể đang làm dấy lên lo ngại virus có thể đột biến để kháng lại vắc xin. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy vắc xin vẫn có hiệu quả với virus nhưng tác dụng kém và ngắn hơn.
Theo An Yên (VietNamNet)