Đó là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn P. (37 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội). Bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong tình trạng sốc, trụy mạch, huyết áp tụt, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, ý thức lơ mơ.
Theo gia đình bệnh nhân cho biết, anh P. có tiền sử uống rượu nhiều năm, xơ gan 3 năm nay, khoảng 2 ngày gần đây thấy mệt mỏi nhiều, chán ăn, mất ngủ, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, nôn ra dịch nâu đỏ, tiểu ít.
Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm máu, X-quang tim phổi, siêu âm ổ bụng, siêu âm đánh giá đường kính tĩnh mạch chủ dưới... các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn đường vào tiêu hóa biến chứng suy đa tạng (suy gan, thận, trụy tim mạch), có toan chuyển hóa nặng.
BSCKII. Đoàn Bình Tĩnh, trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết, nhận thấy tình trạng bệnh nhân nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tử vong, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành bù dịch, cấy máu, sử dụng kháng sinh liều cao và thuốc vận mạch, đặc biệt là áp dụng phương pháp lọc máu liên tục tĩnh mạch – tĩnh mạch, nhằm loại bỏ ra khỏi máu hầu hết các chất độc nội sinh và ngoại sinh, cân bằng dịch và điện giải một cách liên tục, đồng thời ít ảnh hưởng đến huyết động.
Mỹ: Thu hồi một số loại siro ho trẻ em vì nguy cơ nhiễm khuẩn
Quá trình lọc máu liên tục trong 23 giờ dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ về các chỉ số mạch, huyết áp, nhiệt độ, theo dõi sát đề phòng tình trạng đông, chảy máu trên lâm sàng. Sau khi được áp dụng phương pháp lọc máu và điều trị tích cực, sau 3 ngày, bệnh nhân đã có những chuyển biến tốt, cắt được thuốc vận mạch, thoát khỏi tình trạng sốc, thấy tỉnh táo, tiếp xúc tốt, cảm giác dễ chịu hơn và tự ăn uống được.
Tại bệnh viện Đa khoa Hà Đông, phương pháp lọc máu này đã cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, đặc biệt là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Sau lọc máu, nguy cơ tử vong cũng như các chỉ số tổn thương giảm rõ rệt. Đặc biệt các yếu tố gây viêm giảm nhiều sau khi lọc máu nên các cơ quan thương tổn nhanh chóng phục hồi. Bên cạnh đó, những bệnh nhân được lọc máu sớm có tỷ lệ sống cao hơn những trường hợp muộn.
Theo BSCKII. Đoàn Bình Tĩnh các số liệu tổng kết cho thấy, kỹ thuật lọc máu liên tục giúp cứu sống thêm 20-50% số bệnh nhân nặng, giảm thời gian thở máy, giảm thời gian nằm viện, tỷ lệ biến chứng do thở máy và nằm lâu giảm, nhờ đó chi phí điều trị cũng giảm đáng kể.
Theo MT (Baodansinh.vn)